Xây dựng nhãn hiệu tập thể cam và bưởi
Được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của UBND tỉnh, các sở, ngành và sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, ngành nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên ngày càng phát triển và trở thành thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của huyện nhà; trong đó cây có múi đóng vai trò chủ lực về giá trị kinh tế của huyện. Các loại cây ăn trái có múi với diện tích khoảng 2.000 ha, được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Định, Tân Mỹ và Thường Tân; trong đó có 67 ha cây ăn trái có múi được chứng nhận VietGAP. Năng suất các loại cây ăn trái có múi bình quân đạt 36,4 tấn/ha/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
Sản phẩm cam, bưởi ở huyện Bắc Tân Uyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu tập thể. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Năm 2015, Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện” đã được UBND huyện Bắc Tân Uyên phê duyệt, tại Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 17-4-2015. Thực hiện dự án này, phòng Kinh tế của huyện đã phối hợp với Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam tiến hành khảo sát, lập bản đồ vùng trồng cam, bưởi; nghiên cứu về ý nghĩa, tầm nhìn và các tiêu chí cần có của mẫu nhãn hiệu; cùng với đó xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể... Sau 2 năm triển khai dự án, đến tháng 2-2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”.
Theo đánh giá, một khi các sản phẩm cam, bưởi Bắc Tân Uyên được chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp, giá trị sản phẩm, uy tín của người sản xuất sản phẩm này ở huyện Bắc Tân Uyên sẽ được nâng cao, đồng thời các ngành chức năng có điều kiện quản lý tốt về quy trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cũng như kiểm soát được chất lượng của sản phẩm. Chứng nhận nhãn hiệu tập thể còn được xem như một điều kiện để các sản phẩm cam và bưởi Bắc Tân Uyên đáp ứng được yêu cầu hội nhập thị trường quốc tế.
Ông Trần Giang Khê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các hộ trồng cam và bưởi ở huyện Bắc Tân Uyên đã có một công cụ rất mạnh là giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu tập thể Bắc Tân Uyên cho sản phẩm cam và bưởi. Từ đây, quyền và lợi ích hợp pháp của bà con nông dân sản xuất và kinh doanh cam, bưởi trong huyện được bảo vệ. Bên cạnh đó, các công cụ quảng bá như hệ thống nhận diện, tem, nhãn, logo được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền sẽ góp phần đưa thương hiệu cây có múi Bắc Tân Uyên vươn xa hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, việc triển khai thử nghiệm mô hình trồng cây ăn quả có múi theo chuẩn VietGAP tại xã đã phát huy hiệu quả; đây cũng là cơ sở để xây dựng vùng chuyên canh cây có múi đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, khi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, người trồng bưởi trong xã sẽ tích cực thực hiện đúng các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường theo quy trình, từ đó cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín ra thị trường.
Nâng cao giá trị cây có múi
Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, huyện Bắc Tân Uyên đã và đang khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp sức cho nông dân làm giàu, UBND tỉnh cũng đã vào cuộc với nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích được triển khai như: Dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP; dự án hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi; dự án hỗ trợ trồng trọt thực hiện VietGAP trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên… Thông qua các dự án này, tỉnh hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, nhiều vườn cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP của nông dân trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên phát triển tốt, tăng nhanh về diện tích.
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016- 2020, UBND huyện Bắc Tân Uyên xác định mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao. Cùng với đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; tăng cường đào tạo nghề, tăng thu nhập vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, giátrịsản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất cây có múi trên địa bàn huyện đạt 800 triệu đồng/năm; có từ 300 - 500 ha diện tích cây ăn trái có múi được chứng nhận VietGAP. Huyện Bắc Tân Uyên phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định và thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ, khi đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, một trong những vấn đề được huyện quan tâm nhất chính là tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Hiện phòng Kinh tế đang tham mưu xây dựng dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên”; đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh xây dựng kế hoạch liên kết cung ứng các sản phẩm cây ăn trái có múi đến tận tay người tiêu dùng.