Nhiều năm qua, không ít người đã tin dùng "An cung ngưu hoàng hoàn" (An cung) như là "thần dược cứu não", "thuốc cứu người" nhưng lại rất mơ hồ về tác dụng của thuốc. Đặc biệt, hầu như người dùng không biết gì về những chống chỉ định của loại đông dược này. Trong khi đó, hiện trong nước đang lưu hành các sản phẩm An cung xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... với chất lượng rất phức tạp.
Không có tác dụng dự phòng đột quỵ
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, có một thực tế là nhiều người dân đã mua thuốc An cung để phòng và cấp cứu khi bị đột quỵ nhưng thuốc này không có tác dụng phòng đột quỵ như nhiều người lầm tưởng.
Đột quỵ có 2 thể khác nhau, trong đó thể đột quỵ thiếu máu não (chiếm khoảng 85%) xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do xơ vữa động mạch. Thể còn lại là đột quỵ chảy máu não (khoảng 15%) xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.
Với thể đột quỵ đầu tiên, việc dùng An cung cũng sẽ có tác dụng nhưng với thể chảy máu não thì tuyệt đối không được dùng An cung bởi sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn.
"Trong quá trình cấp cứu, điều trị bệnh nhân chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp hôn mê, xuất huyết nặng, thậm chí tử vong sau khi người nhà cho uống An cung rồi mới đưa đến cơ sở y tế" - PGS-TS Nguyễn Văn Chi nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết từng cấp cứu một bệnh nhân nam 74 tuổi ở Hà Nội, bệnh nhân này có tiền sử bị cao huyết áp, bị tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) bị đột quỵ và đã không qua khỏi dù đã dùng An cung. Người nhà của bệnh nhân cho biết đã mua An cung cho ông sử dụng để ngừa tai biến và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, sau nửa tháng uống thuốc, ông rơi vào tình trạng hôn mê. Người nhà đưa ông đi bệnh viện trong tình trạng chảy máu mũi, miệng, chân răng ồ ạt, giãn đồng tử, phải mở khí quản để thở. Dù được cấp cứu tích cực nhưng ông đã không qua khỏi.
TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ
TP HN, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 - cho biết nhiều người đã cấp cứu bệnh nhân đột quỵ bằng cạo gió, vắt chanh, lấy kim châm đầu ngón tay hoặc uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà gần đây thường nhắc đến là An cung. Những thuốc này và những cách xử lý này đều không chứng minh được hiệu quả, thậm chí có thể gây hại đối với bệnh nhân đột quỵ.
Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, An cung không có trong danh mục điều trị đột quỵ của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và châu Âu, bởi chưa được nghiên cứu, thực nghiệm điều trị và công bố khoa học.
Một ca điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Nhiễm độc thủy ngân sau khi uống An cung
TS-BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ đã từng không ít lần phải xử lý những trường hợp đột quỵ nguy kịch vì người nhà đã cho dùng An cung. Thuốc này chống chỉ định với một số trường hợp, không phải người bệnh nào cũng dùng được. Tốt nhất cần phải có chỉ định của thầy thuốc thì mới dùng, không dùng theo mách bảo vì An cung là thuốc có nhiều vị độc, "công phá" mạnh, không phải là thực phẩm chức năng.
Theo trường phái đông y, An cung có các công hiệu: thanh tâm, giải độc, thông đàm, bình can tức phong, tỉnh não khai khiếu…; có thể cải thiện tình trạng nhận thức kém, làm giảm chứng bại liệt nhưng không thể thay thế được các thuốc hạ huyết áp.
GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cho biết với bệnh nhân cao huyết áp nếu sử dụng An cung để ngừa đột quỵ mà bỏ thuốc huyết áp là sai lầm nguy hiểm. Khi chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc, bác sĩ phải trực tiếp thăm khám, thực hiện thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như chụp chiếu, làm các xét nghiệm để xác định đột quỵ thuộc thể thiếu máu cục bộ não hay chảy máu não, từ đó mới đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
Cũng theo GS Nguyễn Văn Thông, trong An cung có thành phần sừng tê giác và sừng tê giác đã được đồn thổi khá nhiều về những tác dụng như là "thần dược" nhưng chắc chắn sừng tê giác không có tác dụng ngừa đột quỵ. Trong An cung còn chứa thạch tín và thủy ngân, đã có bệnh nhân bị nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung.
PGS-TS Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền (Bộ Y tế), cũng cảnh báo hiện sản phẩm An cung bị làm giả, làm nhái nhiều. Đáng sợ hơn cả là thuốc có chứa kim loại nặng như thạch tín, thủy ngân mà lại dùng như một dạng thực phẩm chức năng hằng ngày sẽ là nguy cơ cao bị ngộ độc, suy tạng, viêm dạ dày, ung thư…
"Để tránh mua nhầm thuốc giả, tốt nhất nên tìm mua đúng sản phẩm đã được kiểm định chất lượng và được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc"- PGS-TS Trần Thị Hồng Phương khuyên.