Góp phần khẳng định thương hiệu
Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Lâm Tuấn Hưng, giảng viên Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại (Bộ Công thương), cho biết: Yếu tố cốt lõi khi làm thương hiệu doanh nghiệp làm sao cho hình ảnh của mình nổi bật, an toàn hơn so với các thương hiệu khác. Vấn đề an toàn thể hiện ở việc phải đảm bảo chất lượng và các điều kiện nhất định, không gây ra nguy hại cho sức khỏe người dùng. Nếu doanh nghiệp không đưa ra thị trường thực phẩm an toàn thì doanh nghiệp tự đánh mất thương hiệu.
Theo Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thời gian qua, không ít thông tin về thực phẩm mất an toàn được phát hiện, gây bất an cho người tiêu dùng. Thực tế, những thương hiệu lớn ít xảy ra sự cố về thực phẩm vì các doanh nghiệp này có quy trình sản xuất, kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn nhất định. Vấn đề hạn chế nằm ở các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Qua những đợt kiểm tra trong lĩnh vực này tại tỉnh, đa số những vi phạm về an toàn thực phẩm xuất phát từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ. Ngoài việc thiếu kiến thức, các cơ sở chưa có ý thức chấp hành nghiêm, chủ yếu là đối phó.
Ông Phan Khắc Nhơn, kinh doanh quán ăn ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, cho biết: Tôi bán quán ăn từ nhiều năm nay chưa để xảy ra mất an toàn thực phẩm. Tôi cũng hoàn thành đầy đủ thủ tục trước khi mở quán và thận trọng trong nguyên liệu. Thời gian tới, chúng tôi lưu ý cách bảo quản hơn để đảm bảo chất lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Còn theo ông Đoàn Ngọc Thanh, chủ hiệu bánh Thanh Phát ở phường 3, TP Tuy Hòa, thương hiệu bánh Thanh Phát đã quen với người tiêu dùng từ mấy chục năm nay. Để cho ra thị trường sản phẩm bánh chất lượng, chúng tôi luôn kỹ lưỡng trong từng khâu chế biến, sử dụng bao bì sạch sẽ, hợp vệ sinh. Các dụng cụ làm bánh cũng được vệ sinh hàng ngày. Cơ sở sẽ quan tâm hơn đến việc công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Ông Huỳnh Ngọc Châu ở phường 4, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Tại Tuy Hòa, không nhiều điểm bán hàng có độ tin cậy, đa số đều sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và việc kiểm soát cũng chưa chặt chẽ. Ngoài yếu tố ngon, bổ, rẻ, thì chất lượng sản phẩm luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu.
Theo Sở KH-CN Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 800 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, gần 30 bằng độc quyền về giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Những năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh nói chung và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nói riêng đã nâng cao nhận thức về thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm cũng cần được các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa.
Tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, cho hay: Hàng năm, công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, kế hoạch liên quan đến an toàn thực phẩm tại địa phương luôn được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát của địa phương cũng được tổ chức thường xuyên. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho cán bộ quản lý, người kinh doanh về điều kiện kinh doanh thực phẩm và các quy định hiện hành. Dù vậy, làm thế nào để chất lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng ngày càng đảm bảo thì phụ thuộc nhiều ở cơ sở, hộ kinh doanh, thậm chí là người sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, một thương hiệu thành công đánh dấu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh bền vững. Lâu nay, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật và một số thông tư được các bộ, ngành liên quan ban hành để hướng dẫn về quản lý an toàn thực phẩm. Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 và có hiệu lực từ tháng 2. Điểm mới trong nghị định này là doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng; công tác quản lý cũng giao về cho địa phương và tăng cường khâu hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải hướng đến lợi ích người tiêu dùng; các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ hơn. Để làm được điều này, mới đây, sở đã phối hợp với Bộ Công thương tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho gần 280 công chức quản lý nhà nước và các chủ hộ, cơ sở kinh doanh thực phẩm ngành Công thương quản lý. Ngoài ra, đơn vị cũng đã mở một số lớp khác để phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người kinh doanh, tiêu dùng. Qua đó, các đơn vị, cá nhân nắm bắt được thực trạng an toàn thực phẩm hiện nay cũng như những quy định mới trong công tác quản lý về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm trong việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Tuấn Hưng cho biết thêm: Nếu người kinh doanh nhận thức được vấn đề thực phẩm hiện nay đang mất an toàn đến mức báo động đỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thì họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình và sẽ không sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thay đổi hành vi, xác định rõ mục tiêu lâu dài, nỗ lực bảo vệ thương hiệu bằng cách lấy an toàn thực phẩm làm tiêu chí ưu tiên. Cùng với đó, cơ quan quản lý, địa phương cố gắng làm tốt vai trò giám sát, tăng cường phối hợp và quan tâm hơn vấn đề thực phẩm trên địa bàn chứ không chỉ dựa trên việc doanh nghiệp tự công bố, hộ kinh doanh chấp hành. Các đơn vị cũng cần có những việc làm, mô hình cụ thể để ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm; phải có những biện pháp răn đe mạnh mẽ.
Từ nay đến năm 2020, Phú Yên sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng 20-30 nhãn hiệu, 5-10 sản phẩm đặc trưng của tỉnh đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có từ 1-2 sản phẩm tham gia chương trình thương hiệu quốc gia. Trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm, Sở Công thương Phú Yên đang rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chí an toàn thực phẩm, xây dựng mô hình, thương hiệu cho sản phẩm bánh tráng Hòa Đa và nước mắm Sông Cầu.