An toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Pháp lệnh
vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 đã được thay thế bằng Luật An toàn thực phẩm. Theo đó người sản xuất,
chế biến,
kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định , chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng và xã hội... Tuy nhiên, đến nay, không ít đơn vị sản xuất vẫn còn thờ ơ với luật định.
Theo Luật An toàn thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chịu sự chi phối các quy định của 3 bộ (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong đó, Thông tư số 19 của Bộ Y tế quy định về việc
công bố hợp quy và công bố tiêu chuẩn
chất lượng sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó đến nay vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả, hàng đảm bảo chất lượng vẫn được coi là một ẩn số mà người tiêu dùng từ lâu đang mỏi mắt kiếm tìm. Những thông tin liên tiếp về thực phẩm nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn đã gây tâm lý hoang mang, bức xúc cho người tiêu dùng. Dường như chất hóa học độc hại có trong hầu hết các loại thực phẩm, từ tôm cá, rau củ đến các loại hoa quả,
bánh trái, từ đồ ăn tươi sống đến thực phẩm khô, gia vị… gây ảnh hưởng xấu và lâu dài đến sức khỏe của con người.
"Bề nổi của tảng băng chìm”
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình buôn hàng nhập lậu, sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã đến mức báo động. Năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm. Điển hình nhất là vụ phát hiện trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa và 5 tấn mỡ bẩn cùng 550kg chất phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc ở Hà Nội… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Dù lực lượng chức năng khẳng định đã hết sức quyết liệt, nhưng số vụ vi phạm như trên vẫn không có dấu hiệu dừng mà còn gia tăng với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính riêng quý 1, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý tới trên 4.000 vụ, trong đó thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc lên tới gần 1.000 trường hợp.
Những con số nêu trên đủ để cả xã hội phải giật mình lo cho sức khỏe của cả thế hệ tương lai, nhưng đó mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm". Theo nhận định của số đông người tiêu dùng, hàng chục tấn thực phẩm bẩn vẫn đang hàng ngày được tuồn vào thị trường Việt Nam tấn công sức khỏe của con người nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa được phát hiện.
Thật giả lẫn lộn
Hàng nghìn vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm được các lực lượng chức năng công bố sau mỗi đợt kiểm tra khiến người tiêu dùng trên cả nước cảm thấy bất an cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 160.000 ca ung thư được phát hiện mới, nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ô nhiễm và sử dụng thực phẩm, đồ uống không đảm bảo vệ sinh.
Trước tình hình đó, không ít gia đình đã quay lưng lại với các
dịch vụ ăn uống bên ngoài và tự tìm các giải pháp tạm bằng cách đặt mua nguyên liệu ở những nơi sản xuất uy tín, hay sản phẩm của doanh nghiệp có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm rạch ròi, thậm chí là tự trồng rau xanh trên sân thượng hay trong các hộp xốp, chậu cảnh… nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Bà Nguyễn Thị Tý (Hà Nội) cho biết tuần nào bà cũng phải về quê nhà ở Sóc Sơn để mua rau,
thịt đảm bảo vệ sinh. “Ở thành phố, tôi không biết phải mua thực phẩm an toàn ở đâu. Thi thoảng lại thấy lực lượng chức năng công bố hàng nhái, hàng lậu được phát hiện tại
siêu thị hay những của hàng kinh doanh thực phẩm sạch nên người dân chúng tôi thật sự thấy mất niềm tin".
Chị Nguyễn Thanh Hằng (Hà Nội) tỏ ra lo lắng vì công nghệ làm hàng giả rất tinh vi, trà trộn vào hàng thật khiến dân thường khó có thể phát hiện, phân biệt. “Tem kiểm định hay nhãn mác trên sản phẩm hiện nay không biết đâu là thật, đâu là giả. Chúng tôi không thể chắc chắn mình đang được sử dụng sản phẩm sạch hay không cho tới khi xảy ra hậu quả. Kiến thức của người dân thì có hạn, chỉ hy vọng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để chất lượng cuộc sống được đảm bảo tốt hơn".
Thực phẩm sạch chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường
Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân Việt Nam hiện nay là rất cao, nhưng các đơn vị cung cấp sản phẩm có chất lượng lại chưa thể có chỗ đứng trên thị trường, hay nói cách khác là chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Nghịch lý trên được ví như bài toán lâu nay chưa tìm ra lời giải hữu hiệu cũng bởi nhiều nguyên nhân, trong khi các nhà kinh doanh có tâm huyết vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển.
Chị Nguyễn Thị Thảo
cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ cho biết "phần đông người tiêu dùng hiện nay vẫn còn ham rẻ và giữ thói quen ra chợ mua hàng, trong khi thực phẩm được sản xuất an toàn và đã thông qua kiểm định chất lượng thường có giá cao hơn nên việc khó cạnh tranh với hàng hóa trôi nổi cũng là điều dễ hiểu".
Nhìn ở một khía cạnh rộng hơn trong vấn đề này, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, tỏ ra quan ngại về sự bất công khi những những vụ vi phạm về
an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bị xử lý nghiêm dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, với việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để có thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, bẩn.
Cần phải kiên quyết, xử lý nghiêm minh
Có thể thấy, việc người dân và doanh nghiệp chưa “gặp được nhau” có rất nhiều nguyên nhân. Để giải quyết triệt để vấn đề này phải có lộ trình dài và cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng như thú y, hải quan, biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập lậu, vận chuyển, gia súc, gia cầm qua biên giới, góp phần ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm bẩn trà trộn trên thị trường để đưa vào tiêu thụ tại các
nhà hàng,
quán ăn...
Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: “Các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật hiện nay đã là khá nặng, vấn đề là có làm nghiêm hay không”.