Đây là buổi tập huấn đầu tiên, mở đầu cho chương trình tập huấn sẽ được tổ chức luân phiên tại TPHN, dành cho các đối tượng là các chợ đầu mối và nhiều tỉnh, thành đang cung ứng
thịt heo cho thị trường TPHN, qua đó nhằm diễn tập thực hiện và đưa Đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo áp dụng vào thực tế kể từ ngày 10-12 tới.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai Phan Văn Báu khẳng định, việc quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin là cách làm duy nhất để cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, đồng thời trả lại sự công bằng cho các trang trại, doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, tiến tới xóa bỏ tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng thịt heo. Để tham gia thực hiện đề án này, tỉnh Đồng Nai có chủ trương tất cả các trang trại và lò mổ phải từng bước chuyển đổi theo quy trình VietGAP, đảm bảo
an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu từ đề án đưa ra.
Trước mắt, trong buổi tập huấn này, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã mời 13 lò giết mổ có quy mô lớn, gần 20 trang trại, 20 nhóm chăn nuôi (trong đó mỗi nhóm quy tụ từ 20 - 25 hộ) tham gia. Tổng lượng hàng của các đơn vị tham gia đề án hiện chiếm khoảng 40% lượng thịt heo đang cung ứng cho thị trường TPHN. Nếu các DN này làm tốt, tỉnh sẽ mở rộng quy mô đến các DN, trang trại còn lại.
Phó giám đốc Sở Công thương TPHN Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho rằng hiện DN tại TPHN mới chỉ tự chăn nuôi và cung ứng đạt 12% - 15% lượng thịt heo tiêu thụ hàng ngày. Hơn 80% lượng thịt còn lại là do các tỉnh, thành khác cung ứng; riêng tỉnh Đồng Nai hiện chiếm từ 60% - 70%. Trong khi đó, việc thực hiện đề án sẽ chia đều cơ hội cho các tỉnh đang cung ứng thịt heo cho TPHN, nếu tỉnh nào làm tốt sẽ được ưu tiên lựa chọn. Sắp tới, TPHN sẽ công khai tất cả các trang trại chăn nuôi,
cơ sở giết mổ, các điểm bán thịt heo trong đề án để người tiêu dùng chọn mua và cùng tham gia giám sát quá trình thực hiện