Ngày 28-6, sau chỉ đạo của UBND TP HN và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao Chi cục Thú y tiếp tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển khỏi TP, thủ tục này về cơ bản đã được khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn nơi chưa cấp giấy kịp thời cho thương nhân, chủ yếu do thiếu nhân sự.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 27-6, tại TP HN đã xảy ra tình trạng không cơ quan nhà nước nào chịu cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh cho cơ sở, thương nhân khiến hoạt động kinh doanh thịt và các sản phẩm chế biến bị đình trệ.
Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn xác nhận phiên giao dịch ngày 28-6 (hoạt động sôi động từ 1-5 giờ sáng), việc cấp giấy chứng nhận xuất tỉnh cho thương nhân tại chợ vẫn chưa được thực hiện. Bình quân tại chợ mỗi ngày có 6-8 xe vận chuyển hơn 5 tấn thịt và phụ phẩm đến các tỉnh nhưng do không có giấy chứng nhận nên thương nhân không dám đưa hàng đi vì sợ bị thu giữ, tiêu hủy. Theo vị đại diện này, đến sáng cùng ngày, Trạm Thú y huyện Hóc Môn mới gọi điện báo sẽ bố trí người đến kiểm dịch vào rạng sáng 29-6.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối Bình Điền, việc cấp giấy kiểm dịch xuất tỉnh đã thực hiện trở lại ngay rạng sáng 28-6 do cán bộ của Ban An toàn thực phẩm TP HN thực hiện.
Bà L.T.V, phụ trách hành chính một công ty thực phẩm ở Bình Tân, cho biết trong ngày, hàng đưa đi tỉnh đã bình thường trở lại sau khi công ty và khách hàng gửi công văn khắp nơi đề nghị tháo gỡ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, "gút thắt" trong việc thực hiện thủ tục hành chính này do là công tác bàn giao nhân sự và công việc từ ngành nông nghiệp (cụ thể là bộ phận thú y) cho Ban An toàn vệ sinh thực phẩm có vướng mắc. Cụ thể, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm nhận 194 nhân sự, trong đó có hơn 40 người thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng không thống nhất nhận thủ tục hành chính này dẫn đến Chi cục Thú y bị thiếu nhân sự. Đồng thời, theo quy trình cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, nếu lô hàng không có sự quản lý giám sát từ đầu vào đến đầu ra (hiện việc cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra điều kiện cơ sở, giám sát lấy mẫu định kỳ… do Ban An toàn thực phẩm TP HN thực hiện) thì việc cấp giấy không thể thực hiện ngay mà phải chờ kết quả lấy mẫu, gây ách tắc, phiền hà cho chủ hàng. Còn nếu cơ quan thú y đến cấp giấy ngay theo yêu cầu của chủ hàng mà không quản lý được chất lượng thì như "bán giấy thu phí", không đúng với ý nghĩa của thủ tục kiểm dịch. Ngoài ra, nếu cơ quan thú y và Ban An toàn thực phẩm cùng quản lý về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thì sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo quản lý, vi phạm nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở chỉ bị quản lý bởi một cơ quan nhà nước