Ngày đầu tiên TP.HN ra quân ngăn thịt heo không rõ nguồn gốc, chỉ có 35% số heo vào thành phố được khai báo thông tin vì nhiều lý do.
Những lý do này không mới, đã được nêu cả năm trước khi Sở Công thương TP.HN giới thiệu quy định về đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc cùng với nhiều đợt tập huấn, phổ biến với người nuôi và thương lái.
Thực trạng này cho thấy một bộ phận người nuôi, thương lái vẫn chưa muốn tuân thủ quy định mới, vẫn làm theo cách cũ, dù rằng việc truy xuất nguồn gốc vì người tiêu dùng.
Trong muôn vàn lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm đè nặng lên người tiêu dùng trong nhiều năm qua, có rất ít chương trình, giải pháp được triển khai để giúp nâng độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có lẽ chương trình đeo vòng để truy xuất nguồn gốc với heo nếu được triển khai đến nơi đến chốn, về lâu dài thật sự tạo ra lớp áo để bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng không chỉ vậy, việc này cũng giúp bảo vệ chính “nồi cơm” của người nuôi và mua bán heo.
Vì sao? “Đeo vòng” không có nghĩa là thực phẩm đã an toàn, nhưng qua đó sẽ giúp nhà sản xuất có trách nhiệm sản xuất ra thực phẩm an toàn. Bởi từ thông tin trên vòng đeo, khi xảy ra vấn đề về chất lượng sẽ dễ dàng truy ra nhà sản xuất, nơi chế biến để quy trách nhiệm.
Nói dễ hiểu thì vòng đeo cho heo chính là dòng chữ “made in...”, qua đó người tiêu dùng chọn lựa những cơ sở chăn nuôi có uy tín, tẩy chay những nơi làm ăn chụp giật.
Để trở thành cơ sở chăn nuôi có uy tín, dám chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng, người chăn nuôi sẽ vất vả, tốn kém hơn. Đó là thêm thời gian cho việc nhập thông tin, tốn thêm vài ngàn đồng mua vòng.
Quan trọng hơn là phải sử dụng thức ăn chăn nuôi có chất lượng, dùng thuốc thú y đúng liều và đúng cách, đảm bảo vệ sinh chăn nuôi... để có được con heo đúng chuẩn, miếng thịt an toàn cho người tiêu dùng, không có dư lượng kháng sinh hay chất cấm.
Đổi lại, người chăn nuôi được gì? Trong tình huống xấu như khi có dịch bệnh, người tiêu dùng vẫn an tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, chứ không quay lưng với sản phẩm.
Thực tế, những trang trại heo đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đang được thương lái ưu tiên mua để đưa về TP.HN - thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước.
Cái lợi lớn hơn là giúp nâng tay nghề của người chăn nuôi. Đã qua rồi thời nuôi heo bằng cơm thừa canh cặn, là miếng thịt nhìn đẹp nhưng ẩn chứa bên trong là chất cấm, chất tăng trọng...
Nên xem việc đeo vòng truy xuất để bán thịt heo cho người tiêu dùng tại TP.HN là những đợt tập dượt, để đến một ngày không xa sẽ xuất khẩu thịt ra những thị trường khó tính.
Bởi vậy, hệ thống truy xuất nguồn gốc đem lại lợi ích cho người chăn nuôi nhiều hơn chi phí bỏ ra. Việc né tránh đeo vòng cũng là để tiếp tục duy trì cách chăn nuôi “được mình, hại người” từng xảy ra khi hàng loạt heo bị dính chất cấm. Là né trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc thịt heo và sắp tới sẽ là các nông sản khác là việc làm bắt buộc. Các nước nhập khẩu thực phẩm, nông sản của Việt Nam đã buộc người sản xuất phải làm như thế.
Tại sao người tiêu dùng ở nước ngoài được dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn người tiêu dùng trong nước lại không?