Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát.
Qua đó, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã sạch sẽ, vệ sinh hơn, công tác kiểm soát thực phẩm được siết chặt hơn.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩmcó kiểm soát trên địa bàn Hà Nội, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn do còn nhiều khó khăn để nhân rộng mô hình này.
*Nhiều khó khăn
Tuyến phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy tập trung 35 cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ khoảng hơn 5.000 lượt khách/ngày.
Đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, nhân viên các công ty có trụ sở tại khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Hà Nội và khu vực lân cận.
Năm 2018, trên cơ sở cân nhắc lựa chọn, phường Dịch Vọng Hậu chọn phố Duy Tân làm tuyến phố thí điểm an toàn thực phẩm có kiểm soát của quận.
Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu chia sẻ, khi bắt tay vào triển khai, phường gặp rất nhiều khó khăn do một số chủ cơ sở còn chưa ủng hộ việc tham gia vì thói quen kinh doanh từ lâu nay chủ yếu là giao dịch miệng với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, không có đầy đủ hóa đơn chứng từ, sổ sách theo dõi theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh thường xuyên đổi chủ, chuyển địa điểm; các hộ kinh doanh chưa bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều….
Ngoài ra, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, nhiều cơ sở kinh doanh phải đi thuê địa điểm và sự hợp tác của chủ nhà chưa cao.
Sự đầu tư của một số cơ sở về trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chế như, bàn ghế chưa đồng bộ, còn sử dụng bàn ghế nhựa chưa phù hợp. Một số cơ sở kinh doanh vào buổi tối và đêm; các cơ sở kinh doanh thay đổi liên tục do đóng cửa hoặc khai trương mới, đổi chủ kinh doanh...khiến quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, điều kiện để một tuyến phố được gọi là an toàn thực phẩm có kiểm soát thì điều kiện đầu tiên là các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ triệt để các quy định an toàn thực phẩm và có 20 cơ sở trở lên được chính quyền treo biển tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Đây thực sự là việc không dễ.
Trong khi việc triển khai mô hình đã khó, việc duy trì và nhân rộng còn khó hơn nhiều bởi chỉ cần chủ quan, lơ là thì việc vi phạm an toàn thực phẩm rất dễ xảy ra.
Do vậy, bà Trần Thị Thu Hương đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương; hỗ trợ cơ hạ tầng cho các cơ sở; tạo điều kiện để địa phương tiếp cận được những văn bản mới như văn bản xử lý vi phạm hành chính trong vi phạm an toàn thực phẩm; hỗ trợ thêm nhân lực…
*Cần lộ trình cụ thể
Thay đổi nhận thức trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm: Khu chế biến, khu bảo quản thực phẩm chín, sống được tách riêng. Quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm và sau chế biến được ghi chép hằng ngày…
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố thí điểm triển khai bước đầu đã nghiêm túc thực hiện quy định an toàn thực phẩm, niêm yết công khai nguồn gốc các nguyên liệu dùng chế biến thức ăn, thực phẩm tại cửa hàng. Kết quả này là nền tảng bước đầu.
Thực tế, vệ sinh thực phẩm là vấn đề đã nóng, đang nóng và sẽ luôn nóng nên việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập...
Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho rằng, muốn có an toàn thực phẩm phải quản lý xuyên suốt cả quá trình từ trang trại đến bữa ăn.
Ngành nông nghiệp thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và chủ yếu tập trung quản lý từ vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực phẩm; quy hoạch vùng trồng trọt chăn nuôi thủy sản, quản lý cơ sở sơ chế, chế biến…
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội quản lý khoảng 66.531 cơ sở thực phẩm; trong đó, kinh doanh thực phẩm là 23.154 cơ sở; dịch vụ ăn uống là 25.484 cơ sở; sản xuất thực phẩm là 10.392 cơ sở; kinh doanh thức ăn đường phố là 7.501 cơ sở.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của Hà Nội đã thành lập 712 đoàn kiểm tra. Riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm đã phạt tiền 266 cơ sở với tổng số tiền là 1.092.874.000 đồng; trong đó, dịch vụ ăn uống là 85 cơ sở với tổng số tiền là 445.200.000 đồng, thức ăn đường phố là 181 cơ sở với tổng số tiền 647.674.000.
Con số trên cho thấy, dù việc triển khai thí điểm tuyến phố an toàn thực phẩm còn rất nhiều khó khăn, nhưng việc nhân rộng là một đòi hỏi bức thiết.
Theo kế hoạch, năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát, nâng tổng số tuyến phố thực hiện thí điểm là 14. Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ triển khai trên 30 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát.
Để việc triển khai nhân rộng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát thực sự hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, trước hết, công tác chuẩn bị, rà soát cần được thực hiện kỹ lưỡng, cần cân nhắc kỹ để chọn đúng tuyến phố phù hợp, cơ sở vật chất phải bảo đảm khang trang.
Sau đó, phải xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu rõ ràng, có dự trù kinh phí cụ thể cho từng đơn vị.
Để có thể triển khai đồng bộ cần có sự đồng thuận của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo phường. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức chuyên môn cho cán bộ cơ sở, bộ phận tham mưu.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện cả định kỳ và đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm./.