Để tạo chuyển biến trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), các ĐBQH cho rằng, bên cạnh nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, cần có chế tài mạnh xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia giám sát của người dân.
Đẩy mạnh chế tài xử phạt vi phạm
Thực hiện Nghị quyết số 19/2016/QH14 ngày 28-7-2016 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016”, từ tháng 11-2016 đến tháng 4-2017, đoàn giám sát đã làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khảo sát tại 210 cơ sở thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đoàn cũng làm việc với Chính phủ và 3 bộ có trách nhiệm liên quan đến quản lý nhà nước về ATTP là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương. Báo cáo kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2011-2016, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành; 669 văn bản các địa phương ban hành về ATTP. Trong giai đoạn này, cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, còn có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng (năm 2011) lên 3,73 triệu đồng (năm 2016). Các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP, cũng như thu hồi các loại giấy phép, giấy xác nhận. Cơ quan điều tra đã khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP...
Đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực trong việc thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, tăng cường kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả, chưa quyết liệt và chưa bảo đảm tính răn đe. Đại biểu Lê Thị Yến đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác xử lý vi phạm về ATTP, đồng thời mở rộng triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành tại các huyện, thành phố, thị xã trong toàn quốc. Một số ý kiến ĐBQH nhìn nhận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dù thấy rõ được tác hại của thực phẩm không an toàn, nhưng vì mục tiêu lợi nhuận vẫn bất chấp tất cả, vẫn vi phạm.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng chỉ rõ, tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về VSATTP còn khá phổ biến. Qua kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%). Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ (khoảng 97%). Tình trạng chung là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm. Số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng số 408.821 cơ sở. Vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát. Hậu quả là tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có 167,8 vụ với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm. Mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết vì bệnh ung thư và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) bày tỏ, thực phẩm không an toàn đã trở thành mối lo lắng, bức xúc của người dân nhưng chưa có biện pháp căn cơ, hữu hiệu để giải quyết. Một trong những nguyên nhân là do hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ATTP còn hạn chế, thể chế chính sách về bảo đảm ATTP chưa phù hợp, thiếu đồng bộ.
Chia sẻ với ý kiến của các ĐBQH về việc xử phạt vi phạm VSATTP hiện nay còn quá nhẹ, mức phạt quá thấp, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng hiệu quả công cụ xử lý vi phạm, bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi một số quy định trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự đã đưa ra vấn đề xử lý hình sự đối với vi phạm về ATTP, bởi thực tế hiện nay có những vụ vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến chết người nhưng chưa truy tố được vì chưa có căn cứ. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành VSATTP ở cấp huyện, xã; sơ kết hai năm thực hiện mô hình này ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã cho thấy hiệu quả.
Khắc phục chồng chéo trong công tác quản lý
Nhiều ĐBQH đặt vấn đề về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc loại trừ thực phẩm bẩn, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề nghị, cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng điều hành, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, củng cố lại tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tập trung đầu mối, bảo đảm cấp đủ ngân sách Nhà nước cho công tác ATTP theo dự toán. Đại biểu cũng đánh giá, kiến nghị của đoàn giám sát về việc cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp là các giải pháp mang tính đột phá.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) băn khoăn, việc hình thành đầu mối chung về quản lý ATTP có thể phát sinh bộ máy, biên chế, trong khi đã có Ban chỉ đạo Trung ương và 3 bộ đang thực hiện chức năng này. Chia sẻ kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù mới được Chính phủ cho phép thí điểm nhưng mô hình ban quản lý ATTP cấp tỉnh đang được triển khai tại thành phố không phát sinh tổ chức mới mà tập trung đầu mối có tính chuyên nghiệp hơn, từ đó địa phương có điều kiện để đầu tư cả về nhân lực, điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, Quốc hội cần có chỉ đạo để Chính phủ mở rộng thí điểm mô hình này ra một số địa phương để có điều kiện đánh giá, trên cơ sở đó khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp và không rõ trách nhiệm về quản lý ATTP hiện nay. Bên cạnh loại bỏ thực phẩm bẩn, đại biểu Dương Đình Thông (Đoàn Bắc Giang) lưu ý, cơ quan quản lý nhà nước cần nhân rộng các vùng chuyên canh lớn cả về trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất lớn, hiện đại, cần có thêm các chính sách hiệu quả để thúc đẩy tích tụ ruộng đất cùng các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển, sản xuất thực phẩm an toàn, đặc biệt quan tâm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và coi trọng chính sách thị trường để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn một cách bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, một số lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến ATTP đã được bàn giao về một đầu mối cho một bộ phụ trách. Ví dụ, quản lý về phân bón là một trong những vấn đề gây bức xúc hiện nay, Chính phủ đã quyết định chính thức bàn giao nhiệm vụ này từ Bộ Công Thương quản lý một phần sang toàn bộ giao cho Bộ NN&PTNT. “Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xây dựng một nghị định về xử phạt trong quản lý phân bón. Nếu chúng ta làm được việc này thì không chỉ góp phần bảo đảm chất lượng của sản phẩm mà chính là góp phần bảo đảm môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, kết quả của đoàn giám sát lần này có ý nghĩa rất quan trọng, chỉ ra những vấn đề bất cập để làm cơ sở cho bộ có thể hoàn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý của mình theo phân công của Quốc hội, Chính phủ.
Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội
Để phòng, chống thực phẩm bẩn, các ĐBQH nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của người dân với tư cách vừa là người tiêu dùng, vừa là người giám sát. Đại biểu Hồ Thanh Bình (Đoàn An Giang) cho rằng, người tiêu dùng cần tăng cường giám sát và tố cáo các hành vi sản xuất không an toàn, cần có phần thưởng xứng đáng cho các phát hiện và tố cáo này. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội người tiêu dùng nhằm tạo thêm áp lực đối với các đơn vị sản xuất thực phẩm không an toàn. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) lưu ý, trong công tác quản lý ATTP, chúng ta không thể quá nhấn mạnh biện pháp hành chính hay xử lý hình sự mà điều quan trọng là xây dựng xã hội với những người tiêu dùng thông thái, tuyên truyền để người dân tự giác hiểu được, tự định đoạt trong mối quan hệ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm. Có ý kiến ĐBQH đề xuất thiết lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về ATTP.
Bày tỏ quan điểm về người tiêu dùng thông thái, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP chia sẻ, để người tiêu dùng phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn, đâu là không an toàn, cần thiết lập hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cần huy động hệ thống phòng thí nghiệm để đo lường các chỉ số tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi nào đạt tiêu chuẩn sẽ đưa vào một mạng lưới. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị kiểm định, kiểm chuẩn ở các chợ, siêu thị để người dân có điều kiện để xác định thực phẩm đó có an toàn hay không. Phó thủ tướng cũng nhìn nhận, công tác bảo đảm VSATTP dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, do vậy, cần phải kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp để đạt được kết quả tốt hơn, tiến tới đưa việc bảo đảm ATTP vào tiêu chí thi đua như làng văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới