Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 21 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền phạt 283,25 triệu đồng. Các bộ, ngành liên quan (NN và PTNT, công an) đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm tại một số địa phương là Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Thanh Hóa, bắt quả tang và xử lý tám cơ sở thu mua, sơ chế và một doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất; tổng số tiền phạt hơn 400 triệu đồng.
Tại các tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng đã kiểm tra 25.493 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.379 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền phạt 6,43 tỷ đồng. Chiều 17-7, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Nam) phối hợp Đoàn thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh hoa quả của anh Phạm Văn Tuấn (SN 1980, trú ở xã La Sơn, huyện Bình Lục) sử dụng hóa chất bơm vào các quả mít. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hai hộp bìa chứa 40 tuýp hóa chất in chữ nước ngoài, gần 600 kg mít thành phẩm và một số tang vật liên quan. Thời điểm kiểm tra, anh Tuấn không xuất trình được giấy tờ liên quan nguồn gốc xuất xứ của số hóa chất nêu trên và khai nhận mua hóa chất ở Hà Nội về bơm vào mít với mục đích kích thích mít chín nhanh, tạo mùi thơm, vị ngọt rồi mang đi tiêu thụ ở Hà Nam và Hà Nội.
Trước đó, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cùng lực lượng quản lý thị trường tỉnh bất ngờ kiểm tra cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận, do ông Nguyễn Thành Tâm (34 tuổi, ở ấp Bảo Định, xã Xuân Định) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân công đang quét một loại bột ướt, có mầu vàng vào cuống trái sầu riêng rồi đem nhúng vào thùng chứa nước nghi pha hóa chất. Sau đó, những quả sầu riêng này được đưa lên kệ để quạt khô, rồi đem dán tem và đóng thùng. Đoàn phát hiện tổng cộng hơn 800 thùng sầu riêng với tổng trọng lượng khoảng 14 tấn đã bị bôi, nhúng. Nguy hiểm hơn, hóa chất dùng để “thúc” sầu riêng chín ép có thành phần tồn dư lâu, phân hủy chậm, nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, gây vô sinh cho con người.
Thực tế nêu trên cho thấy, việc bảo đảm vệ sinh ATTP nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do chính sách pháp luật khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm vệ sinh ATTP đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn sản xuất. Việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh ATTP chưa thật sự hiệu quả. Việc thực thi pháp luật ATTP ở các cấp địa phương chưa đạt yêu cầu, nguồn lực ở một số nơi còn yếu kém, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như tạo động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch. Quy trình thủ tục hướng dẫn các biện pháp bảo đảm ATTP còn nhiều vướng mắc. Một số đối tượng bán các sản phẩm bẩn vì muốn trục lợi vẫn chưa bị phát hiện, xử lý.
Để ngăn chặn tận gốc nạn thực phẩm bẩn, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...). Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp, hài hòa với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Cần tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP sâu hơn, dễ hiểu hơn; giải quyết tốt những bức xúc của xã hội, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi vi phạm