Mục tiêu hợp tác nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa tỉnh Lâm Đồng và TP.HN được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, sẽ từng bước nâng thị phần, sản lượng nông sản an toàn của Lâm Đồng về tiêu thụ tại TP.HN; tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau, thịt... an toàn (sản xuất theo quy trình VietGAP) tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn...). Phấn đấu đến năm 2019 phần lớn các nông sản chủ lực của Lâm Đồng tiêu thụ trên địa bàn TP.HN được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện Lâm Đồng có 62.000 ha trồng rau, rau sản lượng 2.144.000 tấn và hiện có hơn 51.000 ha diện tích đất canh tác sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, chăn nuôi trong những năm gầm đây cũng có bước phát triển. Cụ thể, tổng đàn gia súc đạt 562.000 con, tổng diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản là 2.719 ha, sản lượng đạt 9.840 tấn.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng thành công 54 chuỗi sản xuất - kinh doanh nông sản an toàn, trong đó có 29 chuỗi rau, 17 chuỗi chè, 3 chuỗi hoa, 4 vùng chăn nuôi heo VietGap...
Được biết, thị trường TPHN tiêu thụ khoảng 60% sản lượng rau nội địa của Lâm Đồng thông qua hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng. Ngoài ra, TP.HN cũng là thị trường tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm hoa, chè, cà phê của Lâm Đồng
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HN cho hay: “Bên cạnh việc tăng cường chống thực phẩm bẩn, công tác xây dựng các chuỗi cung cấp nông sản an toàn là vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng vào chuỗi thực phẩm an toàn từ các trang trại cho đến các khâu chế biến, kinh doanh, phân phối và đi đến sử dụng. Tất cả phải bảo đảm an toàn”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cam kết: “Tỉnh sẽ siết chặt vấn đề đầu ra của nông sản từ trang trại, nhà vườn khi sản phẩm đưa đến TP.HN. Chúng tôi cam kết sẽ cung ứng nông lâm thủy sản an toàn có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng".
Sở đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng lộ trình cho riêng mình để quản lý chất lượng. Đồng thời, Sở sẽ kết nối với các ban ngành, thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng thực phẩm”.
Trước đó, PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HN đã dẫn đoàn đi tham quan mô hình nông sản sạch của HTX Tân Tiến, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn".
Ngoài ra, đoàn cũng đếm tham quan Dự án đầu tư Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Đà Loan do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco (gọi tắt là VinEco), một thành viên của tập đoàn Vingroup đầu tư.
Theo bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng giám đốc Công ty VinEco Đà Loan, VinEco Đà Loan có tổng diện tích 230 ha, là 1 trong 14 nông trường của Công ty VinEco đang triển khai trên cả nước. Dự án bắt đầu xây dựng từ 25-6-2016, đến nay đã thi công xong 66 ha, bao gồm các hạng mục: hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới, kho bãi, khu xử lý rác thải. Dự án sử dụng toàn bộ hệ thống nhà màng trong nước, đồng thời áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động Israel – đất nước đứng hàng đầu thế giới về công nghệ trong nông nghiệp.
Để đạt năng suất tối đa, VinEco Đà Loan sử dụng những kỹ thuật cao trong sản xuất với dây chuyền máy móc hiện đại như máy gieo hạt, máy cày Kubota, máy lên luống,… Đặc biệt, dự án cũng đã hoàn thành nhà ủ phân vi sinh để tận dụng rác thải làm phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.
Với 66 ha đầu tiên, VinEco Đà Loan đang sản xuất 16 chủng loại cây trồng, với cơ cấu đa dụng gồm các dòng rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ,… Hiện sản lượng VinEco Đà Loan khoảng 200 tấn/tháng, dự kiến sẽ đạt 300 tấn/tháng vào cuối năm 2017.
Tại Đà Lạt, ngoài nông trường VinEco Đà Loan, công ty VinEco còn 2 nông trường: VinEco Lạc Dương và VinEco Đa Chais. Công ty đã và đang lựa chọn những giống cây trồng thích hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Đà Lạt; tập trung vào chuyên canh các loại rau ăn củ, quả và ăn lá có giá trị kinh tế; áp dụng tối đa cơ giới hóa và tự động hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất.
Tính đến nay, VinEco đã đưa vào thị trường hơn 200 chủng loại sản phẩm phong phú gồm: rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây; trong đó đặc biệt có nấm, rau mầm và rau thủy canh, dưa lưới, dưa lê, dưa leo baby là những sản phẩm cao cấp sản xuất trong nhà kính Israel.
Trong thời gian tới, VinEco sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất một số chủng loại sản phẩm đặc biệt đưa vào thị trường, phục vụ người tiêu dung trong nước.
Với sứ mệnh “Cam kết cung cấp các sản phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, chất lượng cao nhất vì sức khỏe của người dân Việt Nam và các thế hệ tương lai”, VinEco mong muốn góp phần bảo vệ sức khẻo cộng đồng, xây dựng, lan tỏa tư duy sản xuất nông nghiệp sạch, hiệu quả cho người nông dân, cùng hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững.
Ngoài ra, tại Lâm Đồng, Công ty VinEco còn đầu tư Đà Lạt Platform, đây là kho, phân loại, đóng gói sản phẩm của VinEco tại địa phương với diện tích 5.000 m2 năng suất sơ chế 50 tấn/ngày, mục đích là nơi đóng gói, chung chuyển hang từ Đà Lạt đi hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ trên cả nước.
Dự kiến, sáng 27-8, đoàn sẽ tiếp tục đi tham quan cơ sở nông sản Phương Thúy, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn"