Nguy cơ lan rộng dịch tả lợn châu Phi
Ngoài lo ngại các loại thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu bày bán trên thị trường, người tiêu dùng và người kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh còn lo ngại khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở nhiều tỉnh ở miền Bắc và có nguy cơ xâm nhập vào thị trường thành phố.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại một số tỉnh phía Bắc với tổng số lợn bị mắc bệnh là 2.349 con.
Ngày 27/2, Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi và các bệnh khác ở động vật trên cạn tại các tỉnh phía Nam đã được tổ chức. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PNTN cho biết, qua khảo sát phần lớn virút dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh do công tác giết mổ, vận chuyển lợn từ vùng dịch lan tỏa đến các vùng chưa phát sinh dịch bệnh. Việc hạn chế hoặc ngăn cấm vận chuyển heo tùy theo khu vực, thời điểm, tình hình dịch bệnh là biện pháp cấp bách, đặc biệt TP Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu thụ một lượng lớn thịt lợn của các tỉnh thành phố lân cận.
Thống kê cho thấy, hiện TP. Hồ Chí Minh hiện có 4.374 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 301.061 con. Hàng ngày, thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con. Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết, để hạn chế tối đa dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn thành phố các lò mổ cần phải được giám sát chặt chẽ, nhất là hoạt động giết mổ trái phép. Các cơ quan chức năng, ban quản lý các chợ đầu mối, chủ lò mổ, tiểu thương cần vận động thương lái chọn nguồn heo ở khu vực Nam, không nên chạy theo lợi nhuận để thu mua lợn từ miền Bắc đưa vào để tiêu thụ.
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Tại TP. Hồ Chí Minh, mặc dù gần đây các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường nhưng các loại thực phẩm kém chất lượng vẫn chưa được đẩy lùi.
Cụ thể, trong năm 2018, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 600 vụ vi phạm về về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chủ yếu là hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, giả mạo nhãn hiệu. Trong hai tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT thành phố kiểm tra, đã phát hiện 135 vụ vi phạm lĩnh vực thực phẩm, hành vi vi phạm do hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đã tạm giữ 202.829 đơn vị sản phẩm đường cát, rượu, bia, nước giải khát, bánhmứt, nem chua; tạm giữ 4.450kg đường cát hết hạn sử dụng; 99 gói bột ngọt, hạt nêm hiệu Ajinomoto và Knor hóa giả mạo nhãn hiệu; hàng hóa nhập khẩu vi phạm về nhãn mác do ghi không đúng nội dung theo quy định, cạo sửa hạn sử dụng, tạm giữ 2.484 đơn vị sản phẩm rượu vang, bánh các loại.
Ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, gần đây các tổ chức, cá nhân đã nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất nhiều sản phẩm uy tín, an toàn vệ sinh. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nhiều quầy sạp kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ tại các chợ tạm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư lao động tập trung chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu để sản xuất thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Để phòng chống dịch bệnh trên gia sức và các loại thực phẩm kém chất lượng, bình ổn thị trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát ngày từ các cửa ngõ vào thành phố; kiểm soát chặt hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cơ sở chế biến, các lò mổ, kể cả hệ thống bán sỉ và lẻ thực phẩm, tại chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhất là thực phẩm tươi sống. Ông Nguyễn Văn Bách cũng khuyến nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, người dân ý thức đối với tình hình dịch bệnh và chất lượng thực phẩm khi sản xuât, kinh doanh và tiêu dùng.