Đại biểu Thy Thị Tuyết Nhung đề nghị, Ban an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cần nói rõ hơn thông tin cho cử tri thành phố biết về việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đang được thực hiện như thế nào? Đặc biệt thành phố đang chuẩn bị bước vào những tháng cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm do lượng hàng hóa về các chợ tăng cao.
Trả lời vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay, tháng 2/2018 Ban đã nhận được đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn tờ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh. Thực hiện đề án này, Ban đảm bảo tỷ lệ thịt lợn vào các chợ đầu mối có nguồn gốc truy xuất cẩn thận. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thành phố trăn trở, làm sao để thịt lợn trước khi được đưa vào thành phố kiểm tra truy xuất cũng phải an toàn, vì nếu như chỉ căn cứ vào truy xuất mà tự tin đây là thịt heo an toàn thì vẫn không ổn. Nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngoài việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn, sắp tới thành phố sẽ áp dụng truy xuất đối với những mặt hàng khác như thịt gà, rau củ quả….
Chia sẻ thêm thông tin về việc quản lý nguồn gốc thực phẩm tại 240 chợ truyền thống, bà Phong Lan cho biết, Ban đã tổ chức kiểm tra việc ghi chép nguồn gốc hàng hóa tại các chợ truyền thống trên địa bàn. Theo ghi nhận, các chợ truyền thống thực hiện tốt vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng hóa và đều có thông tin cụ thể mua hàng ở đâu. Dự kiến, năm 2019, Ban sẽ công bố thông tin các chợ đảm bảo an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa nơi bán thực phẩm an toàn. Để phòng chống thực phẩm bẩn dịp cuối năm, thành phố còn xây dựng nguồn thực phẩm sạch đạt chuẩn VietGap, GlobalGap… thông qua hoạt động kết nối với các tỉnh – thành lân cận với việc cấp hơn 300 giấy an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đơn vị liên kết, đơn vị sản xuất đạt chuẩn…
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tại TP Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn. Các chủ cơ sở giết mổ phần lớn là cho thuê mặt bằng, chủ lò mới tổ chức giết mổ gia công, còn người nuôi lợn lại là người khác. Thương lái thường gom lợn từ nhiều nguồn nên khó khăn trong việc xác định nguyên nhân khi bị phát hiện vi phạm. Do đó, trước đây cơ quan chức năng chỉ mới xử phạt được chủ lò giết mổ, mà chưa quản lý được thương lái mua lợn. Bắt đầu, từ năm 2019 thành phố sẽ có 5 nhà máy giết mổ lợn công nghiệp, một cơ sở giết mổ gia cầm và một cơ sở giết mổ trâu bò để thay thế cơ sở giết mổ thủ công. Tháng 6/2019 tất cả cơ sở giết mổ lợn đang xây dựng sẽ được đi vào hoạt động. Đến tháng 12, hai cơ sở giết mổ còn lại cũng sẽ đi vào hoạt động.
"Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thịt lợn tập trung của thành phố chưa đi vào hoạt động theo kế hoạch đề ra (năm 2018 các cơ sở này phải đi vào hoạt động). Nguyên nhân chậm trễ này là do chủ đầu tư thiếu vốn, thủ tập cấp giấy phép xây dựng còn nhiêu khê nên còn 2 dự án đang chờ xin phép, một số chủ đầu tư thì xin ngừng dự án... Thực tế, khi hoàn thiện các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thịt lợn tập trung sẽ giúp thành phố kiểm soát chặt hơn việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gia súc, gia cầm trước khi các loại thực phẩm này về đến các chợ truyền thống", ông Trung cho biết thêm.
Xoay quanh câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung, công tác chống thực phẩm bẩn còn nhiều khó khăn, nhất là vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, các sở ban ngành cần cùng nhau vào cuộc để làm tốt công tác này, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người bán lẫn người mua. Trong đó, người bán không kinh doanh thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, người mua nên chọn lựa, thấy không vệ sinh thì không mua. Các cơ quan quản lý tăng cường các khâu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ khâu sản xuất, chăn nuôi, phân phối và về tới các chợ và đến tay người dùng