Tác giả của cuốn
sách, GS-TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam hiện đang định cư tại CHLB Đức. Tại Việt Nam, ông được đánh giá là một trong những luật sư hàng đầu hiện nay về quyền tác giả và quyền
sở hữu trí tuệ.
Theo luật sư Vân Nam, trong thực tế làm việc tại Việt Nam, ông phát hiện ra rất nhiều người, từ tác giả, người sở hữu, kinh doanh cho đến các cơ quan quản lý, cũng như người làm luật
quyền tác giả thường có suy nghĩ: “Luật phải phù hợp với xã hội Việt Nam”.
Trong bối cảnh mở cửa, hòa nhập, vấn đề quyền tác giả không thể làm như thế, mà bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc quốc tế nếu muốn gia nhập thị trường thế giới. Thế nhưng, cho đến nay, đã 13 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne về quyền tác giả, nhưng vẫn có rất nhiều người còn mù mờ về vấn đề này.
Điển hình như việc nhiều người cho rằng, quyền tác giả phải được đăng ký, chứng nhận của một đơn vị nào đó, trong khi thực tế quyền tác giả tự động xuất hiện ngay khi tác phẩm hội đủ các điều kiện được bảo hộ mà không phải qua bất cứ một thủ tục hành chính, kiểm tra nội dung, hay bất cứ hình thức hành chính của cơ quan quản lý nào.
Quyền tác giả - Đường hội nhập không trải hoa hồng được viết theo một phong cách rất đặc biệt, là một tác phẩm bình luận luật học và áp dụng vào thực tiễn. Một cách trình bày theo tiêu chuẩn sách bình luận luật học của CHLB Đức, giúp người đọc dễ tiếp cận với những vấn đề luật học rắc rối. Cách trình bày này hiện nay vẫn còn khá mới lạ với bạn đọc trong nước.
Về cơ bản, sách tập trung và bình luận những điểm giống nhau và khác nhau giữa luật về quyền tác giả trong nước và trên thế giới. Luật về quyền tác giả của Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, nhiều điều luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Một ví dụ tiêu biểu được tác giả nêu ra là khác biệt về định nghĩa thế nào là một tác phẩm.
Công ước Berne định nghĩa “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân”, trong khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (điều 4, khoản 7) quy định “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học”