Vừa qua, con rồng được trang trí bằng những bông hoa vàng nằm trên đường Lê Hồng Phong (Ngô Quyền, Hải Phòng) khiến dư luận xôn xao và nhiều ý kiến trái chiều về tính thẩm mỹ.
Có quan điểm cho rằng, rồng là linh vật của trí tưởng tượng, việc tạo hình rồng có sự thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử ví như rồng thời Lý, thời Lê, thời Mạc… đều khác nhau. Vậy nên, một con rồng hiện đại với trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, lại có ý kiến, cặp rồng ở Hải Phòng là tạo hình để trang hoàng ở nơi công cộng vì vậy dù có sáng tạo thì phải phù hợp với quan niệm phổ quát của người Việt về con rồng.
Bên cạnh đó, màu vàng của hoa giả gắn trên mình rồng khiến nhiều người liên tưởng tới hình tượng Pikachu trong phim hoạt hình. Vì vậy, nhiều người đã gọi con rồng trang trí ở Hải Phòng là rồng Pikachu.
Các luật sư cho rằng, cá nhân, tổ chức chỉ lấy ý tưởng từ con rồng trang trí ở Hải Phòng để thiết kế, sáng tạo ra một tác phẩm mới ví dụ vẽ nhãn dán cảm xúc vui, buồn… thì không cần xin phép.(Ảnh chụp từ nhãn dán trên Zalo)
Từ sự kiện rồng “Pikachu”, một số ứng dụng mạng xã hội xuất hiện nhiều biểu tượng cảm xúc được mô phòng bằng hình con rồng màu vàng. Ngoài ra, có người còn chế tác con rồng bằng vàng giống con rồng trang trí ở Hải Phòng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, chủ thiết kết, xây dựng con rồng “Pikachu” có thể đăng ký bản quyền hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu thiết kế này được đăng ký bản quyền?
Trao đổi với PV về những thắc mắc của đọc giả, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết: Dưới góc độ
bản quyền tác giả theo Luật
Sở hữu trí tuệ thì con rồng trang trí ở Hải Phòng là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, chủ thiết kế xây dựng con rồng ở Hải Phòng có thể được
đăng ký bản quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2015.
Tuy nhiên, chủ nhân của tác phẩm phải chứng minh được, thiết kế con rồng có tính sáng tạo, mang tính mới mẻ, không sao chép tác phẩm của người khác và in đậm dấu ấn cá nhân của tác giả.
“Nếu con rồng trên trang trí ở Hải Phòng không mang tính sáng tạo, chỉ là tác phẩm sao chép, mô phỏng lại con rồng thời Lý, thời Lê hay con rồng gần với quan niệm dân gian về con rồng… thì không thể đăng ký bản quyền tác giả”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cho biết, giả sử nếu con rồng trang trí ở Hải Phòng được đăng ký quyền tác giả thì cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh chụp lại con rồng này để làm lô gô hay nhằm với mục đích kinh doanh như đóng khung ảnh chụp con rồng để bán… thì bắt buộc phải có sự đồng ý của tác giả tác phẩm này.
Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức chỉ lấy ý tưởng từ con rồng trang trí ở Hải Phòng để thiết kế, sáng tạo ra một tác phẩm mới ví dụ vẽ nhãn dán cảm xúc vui, buồn… sử dụng trên ứng dụng mạng xã hội Zallo, Facebook thì không phải xin phép tác giả.
Rồng “Pikachu” ở Hải Phòng không được đăng ký bản quyền?
Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco) nêu ý kiến, giả sử, con rồng trang trí ở Hải Phòng được đăng ký bản quyền tác giả thì cá nhân tổ chức sao chép thiết kế này để sản xuất các con rồng bằng chất liệu khác nhằm mục đích kinh doanh phát sinh lợi nhuận thì vẫn phải được sự đồng ý của tác giả.
Tuy nhiên, Luật sư Phong cho rằng, con rồng trang trí ở Hải Phòng rất khó để đăng ký quyền tác giả bởi không có tính sáng tạo, không mang dấu ấn cá nhân.
“Con rồng trang trí ở Hải Phòng dù có nhiều ý kiến tranh luận về tính thẩm mỹ nhưng vẫn mang đặc điểm cơ bản của con rồng theo quan niệm dân gian.
Theo quy định, tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả phải thỏa mãn nhiều điều kiện như mang tính sáng tạo, mới mẻ. Ví dụ, con rồng được thiết kế đang đá bóng thì có thể sẽ được đăng ký bản quyền”, luật sư Hà Huy Phong nói.