Sau khi thân nhân gia đình các nhạc sĩ lên tiếng về việc cấm 5 bài hát trước năm 1975, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) lên tiếng giải đáp rõ hơn về câu chuyện này.
Các ca khúc bị tạm dừng lưu hành bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi.
* Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ đã lên tiếng xác nhận bản nhạc Con đường xưa em đi từ thời nhạc sĩ còn sống. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cũng đã cung cấp bản nhạc mà khi còn sống nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp cho đơn vị này. Đây có được coi là “bản gốc” của ca khúc hay không?
- Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ đã nói hai vợ chồng từng có ý định sửa hai lời bài hát Con đường xưa em đi. Vậy nên với bài hát Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương, không nhất thiết vợ nhạc sĩ Châu Kỳ phải đứng ra xin phép.
Chỉ cần một cá nhân, tổ chức nào đó xin phép phổ biến theo bản nhạc đã sửa có ý kiến xác nhận của gia đình hoặc người sở hữu tác phẩm đó thì Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ xem xét cấp phép lưu hành trở lại.
Quan trọng bây giờ là không có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm. Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ nói với báo chí như thế, nhưng chúng tôi phải làm theo quy định của pháp luật.
* Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ động tạm dừng lưu hành các ca khúc trên với lý do bị sửa lời so với bài gốc thì sau đó Cục phải chủ động tiếp tục cho bài hát lưu hành trở lại chứ?
- Bản nhạc chúng tôi tạm dừng lưu hành vì đã sửa lời, vi phạm quyền tác giả. Nhưng khi chủ sở hữu tác phẩm và đại diện chủ sở hữu tác phẩm đồng ý với việc sửa lại lời cho đúng thì chúng tôi sẽ cấp phép lại.
Nhưng hiện tại chúng tôi chưa có cơ sở và hồ sơ để làm việc đó. Chúng tôi cần phải có cơ sở pháp lý chứ chúng tôi không gây khó khăn trong việc cấp phép.
* Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra lý do tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 với lý do những bài hát này đã bị sửa lời so với bản gốc. Vậy Cục có đang lưu trữ bản gốc các ca khúc này hay không?
- Bản gốc của các ca khúc bao giờ cũng do chủ sở hữu tác phẩm giữ. Đó là điều đương nhiên. Cơ quan nhà nước chỉ bằng các nguồn thông tin, nguồn tư liệu, nguồn lưu trữ để xác minh và đối chiếu rằng là bản sửa không đúng với bản gốc.
Chứ cơ quan quản lý nhà nước làm sao có bản gốc được. Bởi vì tác giả không nộp về đây.
* Vậy Cục Nghệ thuật biểu diễn lấy căn cứ nào để đối chiếu đâu là bản gốc và dị bản để cấm các ca khúc đó?
- Chúng tôi có tư liệu để xác minh và đối chiếu rằng lời những bài hát đó đã sửa so với bản gốc. Ví dụ, bài hát Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương đã đăng ký bảo vệ quyền tác giả bên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Chúng tôi xác minh ở bên đó thì phần lời bài hát nhạc sĩ đăng ký đã bị sửa khác đi.
* Nhưng nhà báo Phan Phương, trưởng ban hội viên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã khẳng định, khi còn sống, nhạc sĩ Châu Kỳ đã cung cấp cho đơn vị này bản nhạc Con đường xưa em đi được phổ biến từ năm 1969?
- Chúng tôi cũng có bản chụp của ca khúc đó. Vấn đề hết sức đơn giản là bây giờ nên làm thế nào cho đúng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng mệt mỏi và vất vả với câu chuyện này.
Chúng tôi làm để bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan, để chấn chỉnh những cái sai trong hoạt động này và làm đúng theo các quy định của pháp luật. Chúng tôi rất thiện chí trong câu chuyện này chứ không có ý gì khác.