Liên hệ với nghệ sĩ Đinh Công Đạt, anh cho biết vào tuần trước vô tình phát hiện thấy một đàn kiến “nhái” theo tác phẩm gốc của anh từng nổi tiếng từ những năm 1999 trước đó, được trưng bày công khai tại Phòng triển lãm thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Anh đã lập tức chụp hình lại.
“Đó là một sự nhạo báng tới mức không thể chấp nhận được. Trước kia, Kiến và các tác phẩm khác của tôi từng bị đạo, được bày bán ở nhiều chỗ. Nhưng lần này tác phẩm nhái được trưng bày công khai ngay tại Phòng triển lãm thuộc Hội Mỹ thuật - nơi được coi là bàn thờ tổ mỹ thuật. Vậy có khác nào tác phẩm nhái được cổ súy, được chính những người làm nghề thừa nhận”, nghệ sĩ Đinh Công Đạt bức xúc nói.
Sau khi được phản ảnh, phía hội đã làm việc với bên trưng bày, đề nghị cất tác phẩm nhái đi. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam giải thích chính ông cũng nhầm tưởng đó là tác phẩm của Đinh Công Đạt, và đơn vị trưng bày các tác phẩm này là một gallery tư nhân thuê lại mặt bằng của Hội Mỹ thuật nên Hội không có quyền duyệt hoặc can thiệp vào những tác phẩm được trưng bày.
Ông Chương phân trần: “Với 2.000 hội viên và hàng vạn tác phẩm mỗi năm, hội không thể nắm rõ được từng tác phẩm. Hiện tại chưa thấy anh Đạt gửi đơn kiến nghị lên hội, hội sẽ khó có văn bản làm căn cứ để kiểm tra, xem xét tác phẩm đó là nhái hay không. Nếu bên bày hàng nhái kia là hội viên thì dễ, hội có thể xử lý như kỷ luật nghiêm. Nếu bên bày hàng nhái không phải là hội viên, thì hội chỉ có thể lên án, không thể xử lý được, lúc đó phải nhờ đến thanh tra Bộ Văn hóa hoặc bên Cục Bản quyền”. Ông Chương cũng cho biết chủ gallery bày kiến nhái trên không phải là hội viên.
Đàn kiến của Đinh Công Đạt được trưng bày năm 2004
Đinh Công Đạt từng nổi tiếng với đàn kiến của mình
Họa sĩ Đinh Công Đạt bắt đầu tạo hình đàn kiến từ năm 1999, với chất liệu composite, sợi thủy tinh và sắt để làm ruột và phủ sơn mài lên trên. Với đàn kiến nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc (đen, vàng, bạc), anh đã có một triển lãm thành công từ tháng 4.1999 cùng họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Đàn kiến của anh tiếp tục được triển lãm lần hai tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (tháng 9.1999) cùng 12 tác giả điêu khắc hàng đầu Việt Nam, và lần ba tại Art Vietnam (2004), lần 4 tại Red Gallery (Dubai, 2006). Một con kiến của anh hiện vẫn được bày bán tại một số gallery ở Hà Nội với giá 150 USD/con.
Trước đó, các tượng hình chim vốn là
thương hiệu của nghệ sĩ Thái Nhật Minh cũng bị nhái và được trưng bày công khai. Khi nghệ sĩ phát hiện và truy vấn thì nơi trưng bày đã chối quanh, cho biết họ làm theo đơn đặt hàng và từ chối cung cấp thông tin về người đặt. Điêu khắc gia Phạm Thái Bình cũng xác nhận từng phát hiện thấy các cụm tượng dân tộc vốn tạo dựng tên tuổi anh từ năm 2014 đã bị nhái cả tượng lẫn bệ tượng với chất liệu và màu sắc tương tự, bày tại một quán
cà phê sang trọng. Trong khi đó, tác phẩm độc bản đã được bán sang Hồng Kông và Mỹ với giá trung bình từ 2.000-3.000 USD/tượng từ rất lâu. Sau khi truy vấn nơi bày tượng, anh cũng bất lực vì họ một mực phủ nhận không biết nguồn gốc.
Tượng độc bản Hãy nắm tay anh của Phạm Thái Bình (đã bán sang Mỹ) bị làm giả (trên giả - dưới thật) tại Việt Nam |
Đối với việc nhái tác phẩm
Kiến, nghệ sĩ Đinh Công Đạt tuyên bố sẽ quyết theo đuổi việc này đến cùng dù chưa gửi các mẫu sáng tác
Kiến trước đó đi đăng ký bản quyền, cũng như không ký tên tác giả vào tác phẩm. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết: “Nghệ sĩ Đinh Công Đạt cần gửi đơn lên Cục
bản quyền tác giả với lý giải về mẫu nguyên gốc
Kiến thật. Từ đó những người làm ở cơ quan pháp lý mới có căn cứ mà đối chiếu. Nếu xét thấy đúng hàng giả, hàng nhái, số tác phẩm kia thì nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, nặng thì sẽ bị phạt ra tòa”.
Do đặc thù tác phẩm điêu khắc rất khác biệt, điêu khắc gia Phạm Thái Bình và các điêu khắc gia khác đều không ký tên lên tác phẩm, và không đi đăng ký quyền bản quyền. “Phần lớn tác phẩm điêu khắc của tôi đều độc bản, khi triển lãm đã được mua luôn. Do không có nhu cầu sản xuất hàng loạt nên tôi không đăng ký
bản quyền tác phẩm. Hầu hết các nghệ sĩ khác cũng vậy. Tất cả đều cho rằng bản thân tạo hình của tác phẩm điêu khắc đã là chữ ký của người nghệ sĩ”, điêu khắc gia Phạm Thái Bình nói.
Nghệ sĩ Đinh Công Đạt cho biết anh đang tham khảo ý kiến luật sư để soạn đơn gửi lên Hội Mỹ thuật Việt Nam và các cấp yêu cầu xử lý rốt ráo vụ đạo tác phẩm Kiến này.
"Nếu các nghệ sĩ phát hiện thấy tác phẩm bị làm giả, cần thu thập ngay các chứng cứ bị vi phạm bản quyền, gửi đơn lên các cơ quan chức năng như: Cục bản quyền tác giả, thanh tra chuyên ngành… yêu cầu phía vi phạm phải xin lỗi công khai và yêu cầu đòi bồi thường vật chất (nếu cần). Các nghệ sĩ cứ yên tâm rằng tác phẩm chưa đăng ký bản quyền vẫn có thể được bảo hộ bản quyền khi xảy ra tranh chấp nếu nghệ sĩ cung cấp, giải thích được tỉ mỉ về tác phẩm của mình. Các nghệ sĩ nên nhờ sự tư vấn của luật sư chuyên làm về bản quyền nếu không thông thạo", Phó chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Nguyễn Mạnh Quý. |