Hiện nay, việc kiểm soát
an toàn thực phẩm ở nước ta gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp trong nước chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán; công nghệ
chế biến thực phẩm có nguồn gốc
nông sản,
thủy sản còn thủ công, lạc hậu, mang tính hộ gia đình, cá thể với điều kiện
vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế, không đồng đều, nhất là điều kiện về cơ sở nhà xưởng, môi trường.
Các doanh nghiệp lớn, có điều kiện về vốn và công nghệ chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp nói chung và chế biến các sản phẩm nông nghiệp an toàn nói riêng dẫn đến đầu ra cho sản phẩm an toàn không ổn định, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm không đơn giản do lực lượng chức năng mỏng, không đủ cán bộ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Trang thiết bị trong quá trình thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Mức xử lý vi phạm trong trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng còn dễ dãi chấp nhận sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, ưa thực phẩm giá rẻ.
Trước yêu cầu ngày càng cao về
chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, vấn đề quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm đặt ra hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát hiệu quả các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Trước hết cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm nông sản, thủy sản trước khi đưa ra thị trường; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực
an toàn vệ sinh thực phẩm theo
Nghị định 115/2018/NÐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành ngày 4-9-2018 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-10.
Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn, áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Ðồng thời hướng dẫn và giúp người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn. Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm..