Lò mổ tự phát vẫn hoành hành
Nhiều năm qua, các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường vẫn luôn tồn tại ở hầu hết các huyện, xã trên địa bàn TP Hà Nội. Những chủ “lò mổ chui” này và vài nhân viên thường chọc tiết lợn, làm lông đến pha thịt ngay trên nền nhà xi-măng, sàn bê-tông ẩm thấp, thịt, tiết, nội tạng để la liệt ngay cạnh, nhếch nhác, bẩn thỉu; các chất thải được xả thẳng ra hệ thống thoát nước khu dân cư. Đây cũng là tình trạng chung của 1.050 lò mổ tự phát đang "đè bẹp" các cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung bán công nghiệp và tập trung thủ công trên địa bàn Thủ đô.
Theo Sở NN và PTNT Hà Nội, với số dân khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày ở Hà Nội là rất lớn, hơn 872 tấn/ngày. Lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát trên địa bàn thành phố là 377 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 43% nhu cầu; 57% còn lại được giết mổ tại các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, nguồn thịt nhập khẩu và từ ngoại tỉnh nhập vào thành phố cho nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các chủ hộ giết mổ tự phát khá "rắn mặt", lại hoạt động giết mổ thường vào quãng thời gian từ 12 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau khiến cán bộ thú y khó tiếp cận. Ngoài ra, tại các chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” tràn lan trong thành phố còn rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Mỗi điểm thường có một nồi nước sôi dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, ngan và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Chung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi thối. Như điểm giết mổ gia cầm của chị Lê Thị Hồng (quê Hưng Yên) tại một chợ tạm ở gần chợ Long Biên (Hà Nội) mỗi ngày giết mổ hơn 80 con gia cầm cho khách. Chị Hồng bộc bạch: Tôi mua gà của người chăn nuôi để bán và làm thịt cho khách, ngoài ra, cũng nhận làm thịt thuê cho các hộ khác. Gia cầm ốm hay mắc bệnh có người tiếc của không nỡ vứt đi thuê tôi làm thịt để ăn. Làm nghề này nhiều năm vì miếng cơm, manh áo chứ lúc nào tôi cũng lo nhiễm các loại dịch bệnh từ gia cầm không rõ nguồn gốc.
Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận, tình trạng các cơ sở giết mổ “chui” nằm trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh thú y, VSATTP, ảnh hưởng đến môi trường, dễ lây truyền dịch bệnh, nhất là khi đang có dịch cúm gia cầm tại một số địa phương. Trong khi các lò mổ tự phát hoạt động tấp nập thì các cơ sở giết mổ công nghiệp lại trong cảnh đìu hiu. Trong bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, chỉ có bốn cơ sở đang hoạt động với 15 đến 30% công suất, sản lượng giết mổ khoảng 12 tấn thịt gia súc, 47 tấn thịt gia cầm/ngày; ba cơ sở còn lại, hoạt động giết mổ rất thấp hoặc đã ngừng hoạt động.
Không chỉ có Hà Nội, nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Nam Định, Bắc Giang,... cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tại các chợ Đồng Quang, Túc Duyên (TP Thái Nguyên), chợ Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang), chợ “cóc” ở huyện Giao Thủy (Nam Định)..., vẫn còn rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Có thể thấy rằng, công tác quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, khi lực lượng thú y quá “mỏng”, còn các điểm giết mổ này lại quá nhiều.
Cần vào cuộc quyết liệt hơn
Dư luận xã hội đặt câu hỏi vì sao nhiều năm qua các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn có “đất sống”, trong khi người dân ở một xã, một huyện của một tỉnh nào đó, ai cũng biết ông nào là chủ lò mổ lợn, bà nào chủ lò mổ trâu, bò “chui”? Theo Phó Chi Cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nguyên nhân là do chính quyền ở các địa phương còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ tự phát; chưa thật sự quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, VSATTP của các cấp, ngành chức năng chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Ngoài ra, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Cuối cùng, do số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu cho nên hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ “cóc”, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên, lại được vận chuyển bằng xe máy không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y...
Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi và thú y cùng có chung ý kiến: Lực lượng liên ngành (nông nghiệp, công an, quản lý thị trường, y tế), UBND các huyện, thị xã, thành phố..., cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Nếu kiểm tra các “lò mổ chui” không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa có giấy phép thì kiên quyết đề xuất chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn. Tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết, gắn kết các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, cả nước có 29.557 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Phần lớn các cơ sở giết mổ này hoạt động tự phát, không đăng ký kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường. Bình Định sẽ xây dựng 31 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Nhiều chính sách ưu đãi đã được tỉnh Bình Định ban hành nhằm phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động 31 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Theo đó, các cơ sở sẽ được bố trí tại TP Quy Nhơn và các chợ trung tâm trên địa bàn các huyện. Các doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu đầu tư lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sẽ được tỉnh hỗ trợ 70% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong năm hoạt động đầu tiên, doanh nghiệp, hộ gia đình còn được miễn hoàn toàn phí vệ sinh phòng dịch và phí kiểm soát giết mổ. |