- Xin ông cho biết, thực trạng sản xuất nước đóng chai hiện nay và số lượng các cơ sở được cấp phép trên địa bàn Hà Nội? - Hiện toàn thành phố có 580 cơ sở
nước uống đóng chai và nước đá dùng liền được quản lý và cấp phép hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 61 cơ sở, trong đó có 48 cơ sở đạt tiêu chuẩn và 13 cơ sở vi phạm các điều kiện về
an toàn thực phẩm, bị xử phạt gần 100 triệu đồng. Quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất có uy tín, đầu tư nhà xưởng và máy móc theo tiêu chuẩn vẫn tồn tại các xưởng sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình nên điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là khu nhà xưởng chưa bảo đảm vệ sinh; thiếu trang thiết bị, phương tiện rửa và khử trùng; tem nhãn sản phẩm không đúng quy định…
- Quy trình sản xuất nước đóng bình phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn nào? Nếu không được xử lý kỹ, nước đóng bình tiềm ẩn những mối nguy hại nào cho sức khỏe người sử dụng, thưa ông?
- Quy trình để sản xuất nước đóng bình bảo đảm chất lượng bắt buộc phải trải qua các bước cụ thể như: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, tạp chất và vi sinh… Khi qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Một sản phẩm nước đóng chai muốn được chứng nhận bảo đảm
an toàn vệ sinh thực phẩm phải được kiểm định 14 tiêu chí về lý, hóa, vi sinh. Ngoài ra, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc, thì phải bảo đảm 28 tiêu chí trước khi chiết vào bình. Tuy nhiên, với những hệ thống xử lý nước kiểu rẻ tiền sẽ khó đạt được những tiêu chuẩn trên. Chẳng hạn, cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím, nhưng nếu là thiết bị không bảo đảm, chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là E.Coli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, không được khử triệt để sẽ tồn tại trong nước đóng bình, rồi vào cơ thể người gây bệnh. Chưa kể đến hàm lượng các kim loại nặng có trong nước giếng khoan, nếu không xử lý triệt để cũng là nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.
- Thời gian tới, nhất là trong mùa hè này khi nhu cầu sử dụng nước đóng bình tăng lên, cơ quan chức năng của Hà Nội có những giải pháp gì để quản lý, kiểm soát các sản phẩm nước tinh khiết không bảo đảm chất lượng trên thị trường?
- Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đối với nước tinh khiết đóng chai, nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn họ sản xuất theo quy trình bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và chính quyền địa phương theo phân cấp tăng cường kiểm tra, khắc phục tồn tại của các cơ sở vi phạm, tái thẩm định các cơ sở được cấp phép. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ tích cực kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng chai nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Với những cơ sở không đủ điều kiện đề nghị dừng không cho sản xuất, kinh doanh.
- Điều người tiêu dùng quan tâm là làm thế nào để nhận biết được nước đóng chai bảo đảm chất lượng, thưa ông?
- Với thị trường nước đóng chai phong phú như hiện nay, chắc chắn để lựa chọn được sản phẩm an toàn là rất khó. Thế nhưng, không phải là không thể tìm ra nếu người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm, kiên quyết không lựa chọn các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ, không công bố
chất lượng sản phẩm rõ ràng, cũng như không bảo đảm đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm được Bộ Y tế quy định. Người tiêu dùng khi lựa chọn các sản phẩm nước tinh khiết đóng chai, đóng bình lưu ý khi mua chỉ sử dụng các sản phẩm đã được công bố hợp quy và
công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Khi mua hàng, người tiêu dùng cần phải xem nhãn mác với đầy đủ các nội dung như: Tên sản phẩm; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm. Và người tiêu dùng nên mua ở các
cửa hàng có uy tín, quen thuộc hay
siêu thị… Bởi vì đây là những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện
kinh doanh thực phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn. Không nên mua ở những cửa hàng, quán hàng bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng, gần xăng, dầu, sơn, hóa chất trừ sâu… Không dùng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có màu sắc khác lạ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!