Bộ Y tế đang chủ trì sửa đổi dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó đề xuất mức phạt cao hơn và nhiều chế tài xử phạt bổ sung nhằm răn đe các trường hợp vi phạm.
Chỉ 20% số cơ sở vi phạm bị xử lý
Theo Bộ Y tế, việc xử phạt các vi phạm hành chính về ATTP hiện được thực hiện theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định này chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, kết quả giám sát của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, trong giai đoạn từ năm 2011-2016, cho thấy cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 680.000 cơ sở vi phạm (chiếm 20,3%). Đáng nói, trong số này mới chỉ có hơn 136.000 cơ sở bị xử lý (chiếm 20,1%), trong đó mức phạt tiền trung bình 200.000 đồng/vụ.
Như vậy, có tới 80% số cơ sở chỉ bị nhắc nhở. "Theo thống kê, trong cả nước có khoảng 600 cơ sở sản xuất, như vậy trung bình 1 năm 1 cơ sở kiểm tra hơn 1 lần. Điều đó cho thấy chúng ta tiến hành thanh kiểm tra rất nhiều, trong đó cấp xã, phường kiểm tra nhiều nhất, chiếm 70%-80% trong tổng số này. Tuy nhiên, năng lực thanh tra xử lý chưa đạt yêu cầu, chủ yếu là nhắc nhở, xử phạt ít" - đại diện Cục ATTP, Bộ Y tế nhận định. Cũng theo chuyên gia này, theo quy định chủ tịch xã có quyền xử phạt đến 5 triệu, chủ tịch huyện được phạt đến 50 triệu. Như vậy, với số tiền xử phạt trung bình 200.000 đồng/vụ ở các địa phương là rất thấp.
Tiêu hủy các sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP HNẢnh Tấn Thạnh
Là một trong hai địa phương thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận huyện, phường xã, thị trấn, đại diện Sở Y tế TP HN cũng nhìn nhận các lỗi vi phạm về ATTP đã được lực lượng thanh tra xử phạt với số tiền hàng tỉ đồng, song trên thực tế, mức phạt này cũng chưa đủ sức răn đe. Lý giải điều này, một chuyên gia về ATTP cho biết nếu các mặt hàng sai phạm được chuyển đi tiêu thụ trót lọt thì lợi nhuận mang lại cho các cơ sở sai phạm là rất lớn. Do đó, không ít cơ sở sản xuất - kinh doanh sẵn sàng bất chấp các hình thức xử lý, cố tình vi phạm vì lợi nhuận.
Dự thảo nghị định mới đang được các bộ, ngành lấy ý kiến theo hướng tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn), biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người). Các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả tại dự thảo được quy định một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức xử phạt cao nhất mà pháp luật cho phép. Đồng thời, hạn chế quy định hình thức xử phạt cảnh cáo. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đối với vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền bằng 60% đến 80% tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thuộc diện phải công bố hợp quy nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng. Đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm… bị phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm.
Làm nghiêm sẽ không ai dám vi phạm
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP HN), nếu mỗi vi phạm bị phạt tối đa 100 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng, cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều nội dung thì số tiền phạt sẽ cộng dồn lên rất cao. Chỉ cần vài trường hợp bị phạt là những người khác nhìn vào sẽ hoảng, không dám vi phạm nữa. "Ví dụ người kinh doanh heo bệnh, heo chết, heo bơm nước thu lợi 10 triệu đồng, mức bị phạt cũ là 1 triệu đồng vẫn còn lãi 9 triệu đồng nên sẵn sàng chịu phạt và tìm cách vi phạm tiếp. Giờ phạt 100 triệu đồng, nếu làm nghiêm thì không ai dám vi phạm" - ông Tiển nói.
Cũng theo ông Tiển, dự thảo nghị định điều chỉnh mức phạt là cần thiết nhưng để quản lý chặt hơn vấn đề ATTP cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực hiện của các cơ quan thực thi vô cùng quan trọng. Quy định kiểm soát, chế tài đã rõ ràng, đủ mạnh, để điều chỉnh các hành vi vi phạm thì cũng cần có chế tài nghiêm đối với những cơ quan chức năng có thẩm quyền thực thi trong trường hợp họ lạm quyền hoặc lơ là, không thực hiện nghiêm các quy định xử phạt. Bởi nhà nước đã trao đủ quyền, đủ công cụ cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP nhưng cơ quan chức năng vẫn để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải bị xử lý.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HN, cho biết các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP sợ bị công bố thông tin vi phạm trên báo đài hơn bị phạt tiền. Bởi khi đó, thương hiệu của họ bị tổn hại, người tiêu dùng tẩy chay, bị sụt giảm doanh số. Không chỉ doanh nghiệp lớn sợ bị công bố thông tin vi phạm ATTP mà những cơ sở nhỏ cũng khiếp sợ. Có trường hợp một cửa hàng đang bán 5-6 con heo/ngày đã phải đóng cửa vì ế khách sau khi thông tin cơ sở này bán thịt bẩn bị công bố. Để hình thức này phát huy hiệu quả, thông tin công bố phải chính xác, không đưa tin khi vi phạm chưa rõ ràng, chưa đủ chứng cứ thuyết phục. Thực tế, tại TP HN đã có những cá nhân bị phạt mức cao nhất là 100 triệu đồng, tổ chức bị phạt 200 triệu đồng hoặc hơn (do vi phạm nhiều hành vi) và đã chấp hành quyết định xử phạt.
Về hình thức tạm đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh những tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP hiện nay đã được áp dụng nhưng họ thường lách bằng hình thức đăng ký doanh nghiệp mới, do người nhà đứng tên và việc này đang được thực hiện rất dễ dàng.
Tăng mức phạt kèm xử lý hình sự
Bà Bùi Thị An, nguyên ĐB Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, cho rằng xã hội đang rất bất an về vấn đề ATTP. Đây không chỉ là vấn đề đời sống xã hội thông thường mà còn liên quan tới tính mạng con người. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm về ATTP hiện nay quá nhẹ. Bởi với 50 triệu hay 100 triệu đồng sẽ không là gì khi lợi nhuận của họ quá lớn, thậm chí gấp cả trăm lần so với tiền phạt nên họ sẵn sàng tái phạm. Do vậy, việc xử phạt hành chính với những hành vi này phải rất nghiêm khắc, thậm chí khiến cá nhân, doanh nghiệp kiệt quệ. Ngoài ra, nếu liên quan tới tính mạng con người phải xử lý hình sự, bởi đây là tội giết người, dù trực tiếp hay gián tiếp. Nếu chỉ xử phạt kinh tế không thì vẫn không hiệu quả.