Trong những năm gần đây, vấn nạn thực phẩm bẩn luôn gây nhức nhối cho người tiêu dùng. Thông tin liên tiếp về thực phẩm nhiễm khuẩn, không đạt chất lượng an toàn vệ sinh khiến người dân hoang mang. Hóa chất độc hại xuất hiện trong nhiều loại đồ ăn, thức uống, từ tôm cá, rau củ đến các loại hoa quả, bánh trái, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
“Cơn khát” thực phẩm sạch khiến hàng loạt cửa hàng thực phẩm sạch mọc lên như “nấm sau mưa”. Nguyễn Xuân Đạo – sáng lập viên Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ BigHand - nhận định, phân khúc thực phẩm sạch nhiều đất trống cho người có tâm. Với số vốn đầu tư 50 – 300 triệu đồng, mọi đối tượng - từ cán bộ công chức nhà nước, người về hưu tới thanh niên đều có thể mở cửa hàng thực phẩm sạch.
Nguyễn Xuân Đạo (bên trái) - người thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ BigHand. |
Mặc dù vậy, theo những người làm trong lĩnh vực thực phẩm sạch, cứ 10 cửa hàng ra đời thì chỉ còn 1 – 2 quán tồn tại sau một năm hoạt động. Xuân Đạo cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ thói quen mua thực phẩm tại chợ của người tiêu dùng. Hơn nữa, giá thành ở cửa hàng cao, khó cạnh tranh sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường.
Ngược quan điểm của Đạo, ông chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển – Nguyễn Khánh Trình khẳng định, việc tận dụng mặt bằng, thời gian rảnh rỗi để mở quán thực phẩm sạch là cách tiếp cận “buồn cười”. Bởi, người kinh doanh chưa thực sự nghiêm túc làm ăn, không hiểu rõ những khó khăn, thử thách phải đối mặt.
“Bán lẻ thực phẩm rất khó vì chi phí mặt bằng cao, tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức trung bình so với ngành khác là 28%. Hàng tồn kho, hàng hủy lớn do thời gian tiêu thụ ngắn. Nhân sự biến động liên tục khiến chi phí đội lên. Cửa hàng sẽ không có lời nếu không cân bằng giữa tỷ suất lợi nhuận thấp và các loại chi phí cao”, Trình lập luận.
Trần Mạnh Chiến – người sáng lập chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm - chỉ ra “nút thắt” trong ngành là lòng tin khách hàng. Ranh giới giữa sạch, không sạch rất mong manh. Thay vì tin tưởng chứng nhận của tổ chức nước ngoài, cơ quan nông nghiệp địa phương, người tiêu dùng đặt niềm tin vào những người thân quen nhiều hơn. Để tạo ra doanh nghiệp quy mô, uy tín rất khó.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp thực phẩm sạch cần đảm bảo phủ thị trường để tiếp cận, tạo thuận tiện cho khách hàng. Sói Biển, Bác Tôm là hai chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch lớn hiện nay. Tuy nhiên, mỗi thương hiệu chọn một lối đi riêng nhằm bao phủ thị trường. Hai nhà sáng lập đã trao đổi, bảo vệ chiến lược kinh doanh của họ trong Quốc gia khởi nghiệp gần đây.
Trần Mạnh Chiến – sáng lập viên chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm. |
Với hệ thống hơn 20 cửa hàng cùng nhiều trang trại, Bác Tôm chọn nhượng quyền thương hiệu để tiêu thụ thực phẩm sạch cho bà con nông dân. Nhà sáng lập phản bác ý kiến cho rằng đây là hình thức khó kiểm soát danh mục, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đồng đều giữa các cửa hàng.
Ông nói, những người nhận nhượng quyền đầu tư sức lực, tiền của nên rất tâm huyết kinh doanh. Còn việc kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn thống nhất mà công ty đưa ra. Hiện nay, Bác Tôm vừa có đội ngũ kỹ sư thực địa kết hợp cơ quan địa phương giám sát sản xuất, cán bộ giám sát cửa hàng, nhân viên giám sát giao hàng tới cửa hàng nhượng quyền. Do thực phẩm mang tính địa phương, nên danh mục sản phẩm giữa các cửa hàng chỉ cần phù hợp nhu cầu khách hàng tại đó, chứ không cần giống nhau.
“Tôi muốn đưa thực phẩm sạch thuần túy nhất tới tay người tiêu dùng. Để đảm bảo sản phẩm sạch nhất, Bác Tôm chỉ sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, trên nhiều trang trại khác nhau, đảm bảo đa dạng sinh học, bền vững môi trường”, Mạnh Chiến thổ lộ mục tiêu doanh nghiệp.
Nguyễn Khánh Trình - người sáng lập chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển. |
Nhận thấy nhượng quyền tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông chủ Sói Biển tăng độ phù thương hiệu bằng cách mở chuỗi cửa hàng. “Tôi muốn kiểm soát tốt mô hình kinh doanh của mình”, Khánh Trình nhấn mạnh.
Công nhận chủ quán nhận nhượng quyền tâm huyết, trách nhiệm khi đầu tư tiền bạc, công sức, nhưng Trình lo lắng việc họ tự bổ sung sản phẩm ngoài vào danh mục mặt hàng. Hành vi đó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thương hiệu. Thậm chí, họ có thể đi chệch định hướng của công ty.
Thay vì ủy quyền cho người khác tham gia dịch vụ, Sói Biển tự mở từng cửa hàng để tận tay chăm sóc khách hàng, kiểm soát chi phí, giá vốn, danh mục sản phẩm. Trình dự kiến mở rộng 250 cửa hàng, niêm yết công ty trên sản chứng khoán sau ba năm tới.
“Mỗi ngày, tôi nhận trung bình hai yêu cầu nhượng quyền. Nhưng tôi thấy công ty vẫn đủ năng lực kiểm soát, mở những cửa hàng tiếp theo. Một cửa hàng Sói Biển đầu tư 500 – 600 triệu đồng. Mỗi tháng tôi mở 5 cửa hàng. Đó là định hướng của tôi”, Khánh Trình chia sẻ.