Song song với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ba đơn vị đã cùng nhau ký Quy chế phối hợp và triển khai chuyên đề trọng tâm quản lý ATTP. Mỗi sở, ngành đều có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về ATTP từ phía người dân. Sự phối hợp của ba sở đã thể hiện rõ khi năm đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các điểm nóng, các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, thành phố đã kiểm tra hơn 90 nghìn lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt 4.400 cơ sở với số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, trung bình mỗi năm, Chi cục tổ chức hơn 10 nghìn lượt kiểm tra, phạt khoảng 1,5 tỷ đồng và tiêu hủy hơn ba tấn sản phẩm không đạt chất lượng. Nguồn cung và cầu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ở Hà Nội rất lớn, phần lớn được đưa về từ các địa phương khác. Nguồn thực phẩm này được đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng và chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn.
Lo lắng nhất của người tiêu dùng hiện nay là không biết đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn. Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ làm công tác thanh tra để công tác này được bảo đảm thực hiện minh bạch, tạo niềm tin cho người dân về thực phẩm.
Ðồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, cần kiểm soát ATTP ngay từ gốc. Riêng hàng nhập khẩu phải được kiểm soát ngay từ biên giới. Cần phải tạo thành chuỗi từ sản xuất tới bán lẻ, tổ chức sản xuất sạch và tổ chức chuỗi thực phẩm an toàn sạch ngay từ đầu. Chính vì "sức" có hạn, cho nên chúng ta tập trung vào rau sạch và chăn nuôi, làm dứt điểm và nhân rộng ra, không nên làm theo phong trào. Ðiều quan trọng nhất trong quản lý ATTP là cần phân cấp triệt để hơn, chia rõ trách nhiệm, nên luật hóa dần việc thí điểm trách nhiệm, chọn người, giao trách nhiệm cụ thể. Thành phố nên có quỹ hỗ trợ cho người sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn, tổ chức lại thị trường
tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long kiến nghị thành phố cho phép địa phương này nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp phường trên toàn quận. Ðồng thời, mở thêm các lớp tập huấn chuyên ngành ATTP cho cán bộ chuyên trách cấp phường. Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên khẳng định, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thanh tra ATTP nhằm bảo đảm công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn. Cùng với đó, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ…), thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt)… Sau khi xử lý vi phạm hành chính, công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Là cơ quan thường trực về quản lý nhà nước về ATTP, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ quyết liệt hơn trong quản lý ATTP, tuy nhiên, công tác này có hiệu quả hay không, bên cạnh sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng. Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ ba HÐND thành phố Hà Nội khóa 14 sẽ có nội dung chất vấn về vấn đề ATTP, Sở Y tế sẽ tổng kết và báo cáo đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tham gia buổi hội thảo này, đồng thời cam kết sẽ cùng các ban, ngành liên quan góp sức vào việc thực hiện ATTP từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, thanh, kiểm tra…