Với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai bước đầu và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Để triển khai thực hiện dự án, thành phố đã xây dựng bộ tiêu chí, trong đó có 4 tiêu chí chủ yếu là: Thực phẩm kinh doanh tại chợ, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động thanh tra, kiểm tra. Theo đó, với tiêu chí thực phẩm kinh doanh tại chợ quy định bắt buộc phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, ghi chép công tác nhập, xuất hàng; thực phẩm phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, mỗi tiểu thương, nhân viên quầy thực phẩm phải trang bị đầy đủ khẩu trang, gang tay, tạp dề, nón phục vụ... Về cơ sở vật chất kỹ thuật, chợ phải có hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải, thiết kế đầy đủ nhà vệ sinh, đặc biệt là phải đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh (Teskit) để kịp thời phát hiện sản phẩm không đủ điều kiện, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng...
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn để triển khai thực hiện mô hình chợ an toàn thực phẩm được huy động từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp cùng các hoạt động xã hội hóa, các nguồn vốn được tài trợ, hỗ trợ khác và nguồn ngân sách nhà nước. Dự án được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Công Thương chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Các đơn vị, ban, ngành sẽ cùng phối hợp tham gia. Giai đoạn đầu, dự án sẽ thực hiện đối với ngành thịt lợn tại chợ Bến Thành (quận 1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Chợ Bến Thành nằm ở vị trí trung tâm với diện tích hơn 13.000m2, được xem là biểu tượng của chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh. Chợ có khu kinh doanh thực phẩm riêng, có 41 sạp bán các sản phẩm thịt lợn với 36 hộ kinh doanh. Theo ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành: “Chợ sẽ sửa chữa, nâng cấp các kệ, quầy hàng bằng việc thay toàn bộ gạch men mới. Khu bán thịt lợn sẽ được lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng, cải tạo nguồn cấp nước và hệ thống thoát nước...”.
Còn chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn có diện tích 95.000m2 là nơi cung cấp khoảng 50% lượng thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết: “Đến nay, chợ đã thực hiện trên 90% các tiêu chí đối với ngành kinh doanh thịt lợn. Cơ sở vật chất bảo đảm phù hợp với tính chất, quy chuẩn về kinh doanh ngành hàng thực phẩm...”.
Hiện TP Hồ Chí Minh có 240 chợ đang hoạt động, trong đó có 17 chợ loại 1, 53 chợ loại 2, 170 chợ loại 3; trong đó có tới 96% chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm. Do được hình thành lâu đời từ trước 1975, đến nay cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp. Vì vậy, để nâng cấp và thay đổi diện mạo của hệ thống chợ truyền thống, thành phố đã xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau khi triển khai thực hiện dự án tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, thành phố sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại 12 chợ tiếp theo vào năm 2018-2020. Sau năm 2020 sẽ nhân rộng mô hình đến tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố