Bên cạnh tranh chấp về ý tưởng, chương trình sau còn bị tố vi phạm bản quyền của chương trình trước trong sử dụng không gian, thiết kế sân khấu, chất liệu nghệ thuật truyền thống. Ðạo diễn của Tinh hoa Bắc Bộ đã bác bỏ các cáo buộc của đạo diễn Việt Tú và cho rằng hai chương trình có thể cùng chung không gian sân khấu của nhà đầu tư và một số chất liệu dân gian, nhưng khác nhau về tư duy nghệ thuật, nội dung cũng như cách xử lý chất liệu để đưa vào chương trình. Hiện tại, hai chương trình đều đã đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Vì vậy, sự phân định và kết luận cuối cùng sẽ thuộc thẩm quyền của đơn vị này.
Ðây chỉ là một trong nhiều vụ việc tranh chấp bản quyền chương trình, tác phẩm sân khấu xảy ra thời gian qua. Có những chương trình, vở diễn dưới dạng "bình cũ, rượu mới", phục dựng từ các kịch bản trước hoặc mượn ý tưởng, cốt truyện, song đã sửa chữa, thêm thắt để phù hợp đời sống hiện tại và công diễn dưới những cái tên tác giả, đạo diễn hoàn toàn khác. Một số chương trình, vở diễn sân khấu xiếc và múa rối "ăn khách" cũng từng gây tranh cãi giữa các tác giả và đạo diễn bởi na ná giống nhau trong ý tưởng và sử dụng chất liệu nghệ thuật. Nổi cộm gần đây là làng sân khấu phía nam với vụ vi phạm bản quyền tác phẩm Nửa đời hương phấn, tranh chấp kịch bản vở Ngôi sao lạc, Dâu đất khách hoặc bản quyền loạt vở cải lương giữa hai tác giả Nguyễn Phương và Nhị Kiều,...
Những vụ việc nêu trên cho thấy nguy cơ tranh chấp, vi phạm bản quyền chương trình, tác phẩm sân khấu ngày càng cao và diễn biến khá phức tạp. Phần lớn các tác giả, đạo diễn sân khấu Việt Nam chưa thật sự chú trọng việc đăng ký bản quyền để có được sự công nhận và bảo hộ pháp lý cho công trình, tác phẩm của mình. Dường như không ít tác giả có một cách hiểu đơn giản là chương trình, tác phẩm được biểu diễn thì nghiễm nhiên họ được thừa nhận là tác giả mà không tính đến nhiều yếu tố sở hữu khác hoặc những sự trùng lặp ngẫu nhiên. Chính vì vậy, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng tác giả vô tư "mượn" ý tưởng hoặc một phần nội dung cho công trình tác phẩm của mình, dẫn đến những tranh chấp kéo dài.
Bên cạnh đó, cách giải quyết mang tính nội bộ, "vị tình" không dựa trên những quy định pháp luật, trong hoạt động bảo vệ bản quyền tác phẩm sân khấu đang tồn tại phổ biến, càng khiến cho những quy định pháp luật về quyền tác giả bị coi nhẹ khi đó nạn nhân xuề xòa cho qua, còn đối tượng vi phạm thì càng xem nhẹ vấn đề quyền tác giả văn học - nghệ thuật khi cho rằng: Mọi việc đều có thể giải quyết bằng tiền hoặc tình cảm.
Cũng từ thực trạng tranh chấp, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực sân khấu, đã có nhiều ý kiến về sự cần thiết phải có những trung tâm đại diện pháp lý cho các tác giả nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm, thúc đẩy thực thi nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ. Khi đó, để sử dụng các chương trình, tác phẩm sân khấu phải có giấy ủy quyền hoặc văn bản cho phép của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Thực hiện điều này sẽ góp phần đưa tác phẩm đến với công chúng, giúp đơn vị dàn dựng tiếp cận được kịch bản gốc để có thể thương lượng xin phép dàn dựng hay điều chỉnh kịch bản và thanh toán tác quyền một cách thuận lợi hơn