Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (Sở Y tế), cho biết trong khi số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được khống chế tốt thì số ca ngộ độc thực phẩm từ các tiệc cưới, dịch vụ kinh doanh ăn uống, căn-tin trường học có chiều hướng tăng cao.
* Tăng số vụ ngộ độc thực phẩm
TS. bác sĩ PhanHuy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng để công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả, Đồng Nai cần thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm để phục vụ cho nhu cầu kiểm nghiệm thực phẩm của các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng như các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Mặt khác, tỉnh phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong các thủ tục thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là triển khai dịch vụ công mức độ 4, tiếp nhận và trả kết quả qua internet tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. |
Từ đầu năm 2017 đến nay toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm làm 113 người mắc, 1 người tử vong; tăng 1 vụ, tăng 48 người mắc và tăng 1 người tử vong so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng trong tháng 5-2017 đã có 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 53 người mắc, 1 người tử vong.
Nguyên nhân đây là thời điểm chuyển mùa từ mùa nắng sang mùa mưa nên thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi sinh vật hoạt động mạnh gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh là cơ sở nhỏ, quy mô hộ gia đình (đặc biệt là cơ sở sản xuất thực phẩm) nên việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Các vi phạm chủ yếu là: mẫu thực phẩm, chất lượng sản phẩm không đạt; điều kiện con người, cơ sở sản xuất, chế biến không đảm bảo…
Thực tế hiện nay các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, quán ăn đang phát triển mạnh mẽ, nhất là thức ăn hè phố mọc lên tràn lan, chủ yếu hoạt động buổi tối nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, thực phẩm chế biến, sẵn tại các chợ rất phổ biến, trong khi việc vệ sinh dụng cụ chế biến và vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm. Ở khu vực nông thôn chưa có hệ thống nước sạch, chủ yếu dùng nguồn nước giếng khoan, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.
* Còn nhiều Khó khăn
Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, nhất là ở tuyến tỉnh, còn quá mỏng nên số lượng cơ sở được thanh kiểm tra quá ít so với số cơ sở trên địa bàn. Công tác xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại tuyến xã chưa thực hiện được do thiếu kỹ năng về xử lý vi phạm hành chính.
Tại một số bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào vẫn chưa được thực hiện tốt, giá trị suất ăn thấp (trung bình từ 11-12 ngàn đồng) nên chất lượng bữa ăn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Việc xây dựng mô hình bếp ăn tập thể điểm gặp nhiều khó khăn khi nhân rộng. Năm 2010 toàn tỉnh đã xây dựng và thẩm định đạt 23 bếp ăn tập thể điểm, nhưng hiện nay giảm còn 21 bếp ăn tập thể điểm do có 2 bếp không đạt vì điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp chưa kịp tu sửa, trang thiết bị hư hỏng chưa thay mới.
Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết trong thời gian tới, để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra sẽ triển khai mô hình tự kiểm tra an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các trường học; duy trì mô hình tự kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp; tiếp tục xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể, mô hình điểm về thức ăn đường phố nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm