Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bao giờ “hết nóng” đối với mối quan tâm của xã hội. Cũng vì vậy mà trong năm 2017, Bộ NN&PTNT vẫn chọn là năm cao điểm hành động về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (CfoodSTP) tiếp theo năm 2016.
Năm 2017, triển khai quyết liệt về vấn đề CfoodSTP, Bộ NN&PTNT phấn đấu đạt chỉ tiêu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016. 100% các tỉnh, thành phố phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn, công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.
Triển khai năm cao điểm thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp năm 2017, công tác thanh tra ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu ngăn chặn hiệu quả, tạo bước chuyển biến căn bản, từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sử dụng kháng sinh không đúng mục đích. Chấm dứt các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung vào chất Cysteamine. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và đẩy mạnh công tác phòng chống việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, gây nguy hại đối với sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến thương hiệunông sản Việt Nam.
Triển khai năm cao điểm hành động về VSATTP 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, so với năm 2016, với kế hoạch thanh tra đã ban hành ngay từ đầu năm 2017, ngoài các nội dung tập trung loại hẳn chất cấm, hạn chế kháng sinh thì năm nay ngành sẽ tập trung thanh tra công vụ ngay chính cơ quan quản lý của Bộ, các vụ, các đơn vị trung tâm được giao nhiệm vụ giám sát, được giao nhiệm vụ cấp phép giấy phép cho quản lý vật tư đầu vào.
“Sẽ thanh tra ngay những ngành này, thanh tra cả việc cấp giấy phép để từ đó xác định và ngăn chặn ngay từ đầu. Những việc buông lỏng quản lý, lơ là trách nhiệm thì thanh tra chính những khâu đó, để siết chặt kỷ cương từ những khâu ngay từ cấp Trung ương, cơ quan quản lý chuyên ngành. Từ đó lan tỏa đến các địa phương và toàn xã hội” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung vào giải pháp then chốt đầu tiên là chuyển nhận thức chung của toàn xã hội. Bởi chỉ có chuyển được nhận thức chung của toàn xã hội, đặc biệt là những người sản xuất và kể cả người tiêu dùng mới có thể góp phần nhanh chóng đạt được kết quả về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang tập trung tuyên truyền bằng những giải pháp cụ thể với các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương để tập trung triển khai công tác này.
Thứ hai, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý của ngành. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các vật tư đầu vào, tập trung vào các nội dung kiểm soát về thuốc trừ sâu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là một trong những lĩnh vực gây ra ô nhiễm. Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã loại ra 300 sản phẩm thuốc trừ sâu. Trong năm 2017 này, Bộ sẽ tiếp tục tập trung nhằm có thể loại những gốc độc hại đến những sản phẩm độc hại gây hại cho sản xuất và môi trường.
Trong lĩnh vực kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với khối lượng xuất khẩu rất lớn về thủy sản cũng như lượng cung cấp lớn cho thị trường về sản phẩm chăn nuôi, do đó, dư lượng về kháng sinh là một nội dung cần kiểm soát, ngăn chặn, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng đúng để làm sao đảm bảo đúng quy trình cũng như quy định cho phép.
Công tác quản lý phân bón cũng là một trong những lĩnh vực mà ngành nông nghiệp hướng vào trong năm cao điểm hành động CfoodSTP. Hướng chủ đạo là tập trung vào tuyên truyền mạnh để chuyển dần sang sử dụng phân hữu cơ chủ đạo thay thế dần một phần phân vô cơ, giúp bảo vệ môi trường và giảm giá thành.
Năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng tập trung vào công tác thanh tra. Bộ đã chính thức ban hành kế hoạch thanh tra cho năm 2017, trong đó, chủ trương sẽ có nhiều đợt thanh tra đột xuất, tập trung vào các đối tượng sản xuất gồm: công ty, hợp tác xã, hộ nông dân. Đồng thời, hướng dẫn cả mạng lưới của Bộ từ thanh tra của Bộ đến thanh tra của các Sở NN&PTNT vào cuộc ráo riết để góp phần ngăn chặn các hành vi, các hình thức sản xuất gian dối, các hình thức sản xuất không phù hợp với quy định của pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, rà soát những văn bản còn thiếu, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn để phục vụ cho công tác quản lý được tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, để làm tốt công tác về an toàn thực phẩm, sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế cần hiệu quả hơn. Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác quản lý tại các địa bàn, xác định rõ nhiệm vụ của người đứng đầu. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào làm tốt việc này sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế rất tích cực đến các yếu tố gây mất ATTP.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tập trung thúc đẩy nhanh nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, khuyến khích các doanh nghiệp có thế mạnh, có tiềm lực kinh tế lớn để tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp then chốt, lâu dài và cơ bản nhất để nước ta hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, một nền nông nghiệp sạch, một nền nông nghiệp hướng đến xuất khẩu, hướng đến hội nhập./