Theo bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai), mỗi năm, nông dân trên địa bàn xã được huyện phối hợp với các sở, ngành tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cam Canh theo hướng an toàn. Qua đó, giúp người dân có kiến thức trong chăm sóc cây trồng, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, đạt giá trị cao…
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn (chủ hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì), hằng năm, ngành Nông nghiệp hướng dẫn cơ sở về quy trình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh thú y; phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi và trước khi vào/ra cơ sở giết mổ lợn…
Theo ông Ngô Đình Loát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay, ngành Nông nghiệp quản lý 17.160 cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức 644 hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho 48.342 lượt người tham dự. Trong đó, tập trung phổ biến điều kiện, quy định trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn quy trình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh thú y; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GPM, HACCP; tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật văn bản mới cho cán bộ quản lý; hướng dẫn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, Sở đã in, phát hành 29.800 tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm; phối hợp với đài truyền thanh tuyến huyện và tuyến xã phát 20.000 lượt với 1.021 bài tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội còn kết hợp với các hội đoàn thể của phường trực tiếp đưa người tiêu dùng xuống các khu sản xuất để tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bao bì sản phẩm… Thông qua tham quan thực tế, người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng rau, thịt an toàn đang bán tại thị trường…
Về hiệu quả của công tác tuyên truyền trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, quá trình thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương kết hợp với tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản... qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, thông qua các lớp tập huấn về kiến thức an toàn, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước, từng bước nâng cao trình độ cho cán bộ cấp, xã, phường, thị trấn…
Đánh giá về ý nghĩa của hoạt động này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngoài tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, Sở còn chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản mới và kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc, lựa chọn thực phẩm an toàn; tăng cường đăng tin, bài về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh... lên các website của Sở NN&PTNT Hà Nội… Nhờ đó, nâng cao ý thức của người sản xuất trong quá trình chăm sóc, nuôi trồng, tạo ra những mặt hàng nông sản an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng