Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Nafiqad) cho biết, vấn đề đảm bảo ATTP đã có sự chuyển biến đáng kể. ATTP đang được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt đã giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...
Trong năm, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á ơ TPHN (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo); tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỉ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất...
Kết quả phân tích trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ trên cả nước trong năm 2017 không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol. Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016 là 1,76%.
Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).
Trong năm 2017, Bộ đã tăng cường chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Hầu hết các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tính đến thời điểm hiện nay trên phạm vi toàn quốc đã có 63/63 tỉnh/thành phố xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi...
Theo lãnh đạo Nafiqad, cả năm 2017 không có sự cố lớn về ATTP xảy ra, góp phần tăng trưởng nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016. Nông sản Việt Nam xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường như xuất khẩu thịt gà, thanh long ruột đỏ sang Nhật; vải, nhãn sang Úc; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; EU đã giảm tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 20% xuống 10% đối với thanh long nhập khẩu của Việt Nam...
Trong năm 2018, Bộ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các lực lượng sản xuất kinh doanh và nguồn lực xã hội đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý ATTP nông sản; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản.
Sẽ công bố kết quả về loại nấm gây ung thư trên ớt bột
Liên quan đến thông tin ớt bột nhiễm loại vi nấm có khả năng gây ung thư gây hoang mang cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ công bố kết quả kiểm tra, phân tích mẫu ớt bột lấy ở TPHN và một số khu vực lân cận vào dịp sau Tết.
Theo ông Việt, sau khi ViệnPasteur (TPHN) công bố 100% mẫu ớt khô có độc tố vi nấm Aflatoxin có khả năng gây ung thư, Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT kiểm tra, làm rõ và Bộ đã 2 đoàn tiếp tục lấy mẫu. Đến nay, các đoàn kiểm tra và đã lấy trên 150 mẫu ớt tại các chợ, cửa hàng ở TPHN và khu vực lân cận. Tuy nhiên, để kết quả sát hơn, đơn vị chức năng sẽ lấy thêm khoảng 100 mẫu nữa, chủ yếu ở các siêu thị để phân tích.
“Đến nay, vẫn chưa có kết quả chính thức, tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy, tỷ lệ ớt bột nhiễm loại nấm độc Aflatoxin là khá cao. Việc này, liên quan đến quá trình bảo quản sản phẩm ớt bộ không tốt, sinh ra nấm mốc và khả năng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Dự kiến khoảng sau Tết sắp tới, chúng tôi sẽ công bố kết quả, đồng thời sẽ đưa ra những giải pháp, khuyến cáo cụ thể đến người tiêu dùng”- ông Việt nói.
Tập trung thanh, kiểm tra đột xuất
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng cho biết, năm 2017, dù vấn đề chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát, tuy nhiên, năm nay, không thể lơ là vấn đề này. Đáng lo ngại là lượng chức năng lại phát hiện việc một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh loại “đạm giả” trong thức ăn chăn nuôi.
Đây là những chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide, được đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm nâng cao độ đạm. Việc dùng những chất trên không có tác dụng về mặt dinh dưỡng, nhưng lại gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.
Ông Việt lưu ý, dịp trước và sau Tết Mậu Tuất khoảng một tháng, các địa phương tập trung thanh, kiểm tra đột xuất, tăng trinh sát, khi phát những vi phạm cần đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung loại thực phẩm có nguy cơ, tiêm an thần vào heo, bơm chất vào tôm, giò chả, ớt bột…
Thời gian tới, ngoài việc tăng cường truyền thông, tuyên truyền đến người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh về ATTP, các lực lượng thanh tra sẽ tăng cường sự phối hợp với Công an, ngành y tế, Công Thương… tập trung thanh tra đột xuất, “làm” đến nơi đến chốn về vấn đề ATTP. Trong đó, trọng tâm là vào chất cấm, hóa chất công nghiệp, kháng sinh, chất bổ sung, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng,thức ăn chăn nuôi, chất xử lý môi trường…
“Địa phương cần lưu ý dành 30-50% nguồn lực, để thanh kiểm tra đột xuất, và giảm dần các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Toàn bộ kinh phí thu được từ xử phạt về ATTP để lại cho lực lượng thanh tra triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra hiệu quả hơn”- ông Việt đề nghị.
Hà Nội: Đặt mục tiêu 100% cơ sở ký cam kết sản xuất an toàn
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, loo vấn đề ATTP là lo cho sức khỏe người dân, nếu ăn thực phẩm không đảm bảo, chẳng khác gì “1 đồng ăn vào, mất 3 đồng tiền thuốc”.
Do vậy, ông Sửu đánh giá cao về kế hoạch hành động về ATTP của Bộ NN&PTNT là rất kịp thời, quan trọng, chứ không như dạng “văn bản trên trời và cuộc đời dưới đất”.
Theo ông Sửu, sản xuất là cái gốc, nếu không kiểm soát từ gốc, người dân không tự giác sản xuất đảm bảo thì sẽ rất khó kiểm soát. “Đây là áp lực không chỉ của Hà Nội mà còn với các địa phương khác. Hà Nội đang phải lo bữa ăn cho khoảng 10 triệu người sinh sống, đảm bảo thực phẩm an toàn là rất quản trọng”- ông Sửu nói.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, năm 2017, Thành phố có tới 500 thanh tra viên về ATTP, số hộ cam kết ngay từ đầu về sản xuất đảm bảo an toàn là 11,3 vạn hộ. Lực lực chức năng đã thanh tra 2,1 vạn cơ sở những chỉ chỉ phát hiện trên 2.100 cơ sở vi phạm, chiếm khoảng 10%, dù có giảm so với năm 2016, nhưng tỷ lệ trên lãnh đọ thanh phố cho rằng vẫn còn cao.
Theo ông Sửu, ngoài các giải pháp đang triển khai, Hà Nội hiện đang có 5 xe test nhanh kết quả ATTP, có thể kiểm tra ngay độ an toàn của rau quả, thịt, thủy sản… Nếu phát hiện vi phạm, có thể xử phạt tiền tươi ngay để răn đe. Cùng đó sẽ tăng cường kiểm soát và xử lý giết mổ nhỏ lẻ.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho biết, năm 2018, Thành phố sẽ đặt mục tiêu 100% số hộ sản xuất cam kết không vi phạm về an toàn thực phẩm. “Chúng ta phải tiến tới sự minh bạch như các nước mới làm được. Năm nay, thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện đưa chỉ tiêu về kiểm soát ATTP là một trong những tiêu thi đua, chấm điểm với các địa phương”- ông Sửu nói.
Lâm Đồng: Phát triển chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao
Cũng tại hội nghị, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh có 52.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 20% diện tích sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Theo ông S, năm 2017, qua việc lấy trên 1.400 mẫu phất tích, kết quả đạt trên 99% các mẫu đảm bảo về ATTP. Có 15.000 nghìn hộ sản xuất cam kết sản xuất đảm bảo ATTP và Lâm Đồng đã làm tốt trong việc liên kết với Hà Nội, Đà Nẵng, TPHN để tiêu thụ nông sản cho bà con địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, năm 2018, Lâm Đồng sẽ tập trung về vấn đề đảm bảo ATTP, tăng cường các chuỗi liên kết. Tỉnh cũng sẽ triển khai dự án xây dựng thương hiệu nông sản Lâm Đồng qua các chuỗi liên kết.
Ngoài ra, Lâm Đồng sẽ phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, bởi hiện thị trường của các loại sản phẩm này có giá trị cao và nhu cầu rất lớn.
Mở rộng, và giới thiệu những sản phẩm nông sản an toàn
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao việc vấn đề đảm bảo ATTP năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, công tác thanh tra, chuyển hướng, từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất, tập trung vào những vấn đề nóng bỏng, kết quả thanh tra đã được công bố công khai những tổ chức, cá nhân vi phạm, tạo được tính răn đe rất tốt.
Theo ông Tám, đến nay cả nước đã xây dựng được hơn 700 chuỗi liên kết ở trong nông nghiệp, trong đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các chuỗi nông sản an toàn, trong đó có nhiều nhà máy chế biến hiện đại. Năm 2017, cũng là năm gần 2.000 hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp ra đời.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tám cũng nêu một số tồn tại, trong đó có vấn đề chế tài xử phạt trong vi phạm ATTP chưa nghiêm; những vấn đề nóng như bơm tôm tạp chất, tiêm thuốc an thần, sản phẩm sơ chế… vẫn còn diễn ra phức tạp, cần được cải thiện trong năm 2018.
Cùng đó, các đơn vị chức năng cần tập thanh tra đột xuất, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, cung cấp thực phẩm ra thị trường, các cơ sở giết mổ, cung cấp thực phẩm tươi sống, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Tám, thời gian tới cần tập trung mở rộng các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông sản, đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận đảm bảo ATTP đến người tiêu dùng, thông qua các điểm bán hàng an toàn