Nỗi lo thường trực
Dịp cuối năm, nhiều loại hàng hóa được bày bán trên thị trường, nhưng chất lượng hàng hóa luôn là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm hơn cả. Thời gian qua, tình trạng mất
ATTP còn xảy ra phổ biến. Nhiều cơ sở
chế biến, phân phối đã “tuồng” thực phẩm bẩn ra thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bà Trần Thị Tưởng ở phường 9, TP Tuy Hòa, cho biết: Thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn gây bức xúc trong dư luận. Trong những dịp mua sắm cao điểm như Tết Nguyên đán này thì chất lượng thực phẩm là điều người dân chúng tôi lo lắng nhất. Còn bà Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Tuy Hòa thì cho hay: Chúng tôi cố gắng lựa chọn nguồn hàng sạch để bán, nhưng trên thực tế không kiểm soát được. Điều này phụ thuộc vào các nhà cung cấp và sự kiểm soát của ngành chức năng.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thời gian qua, tuy công tác đảm bảo ATTP có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những bất cập. Trong đó, công tác quản lý, kiểm tra ở cơ sở thiếu chặt chẽ, chưa nghiêm, chậm xử lý vi phạm. Nhân lực phụ trách công tác này còn thiếu cả về số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm. Chất lượng một số thực phẩm chế biến thủ công, quy mô nhỏ chưa được công bố. Việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản, bảo quản chưa được kiểm soát hoàn toàn. Ô nhiễm môi trường tại
cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn diễn ra phổ biến. Người sản xuất, kinh doanh và người sử dụng chưa nhận thức đầy đủ về ATTP và trách nhiệm của mình trong vấn đề này, làm tăng thêm nỗi lo cho xã hội.
Cũng theo ông Tâm, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm với 178 người mắc, 2 người tử vong. Các nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất, độc tố. Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến, việc kiểm soát ATTP trong toàn chuỗi cung cấp thực phẩm của tỉnh phải được thiết lập và phát huy hiệu quả. Công tác này rất cần được sự phối hợp của các cấp, ngành và cả tinh thần trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, kinh doanh… trong việc thực hiện đúng quy định về ATTP.
Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng
Ông Phạm Ngọc Thăng, Phó Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn miền Trung tại Phú Yên, cho biết: Công ty sản xuất,
kinh doanh thực phẩm, đồ uống với tổng sản lượng trên 34 triệu lít/ năm. Qua 18 năm hoạt động, công ty luôn thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP. Chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Trong sản xuất, kinh doanh, công ty không ngừng nâng cao
chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP, môi trường làm việc… Những năm tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đội ngũ nhân viên, người lao động; xây dựng các quy định quản lý về chất lượng, ATTP, môi trường; đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, công ty cũng sẽ chú trọng nghiên cứu, cải tiến, áp dụng các
hệ thống quản lý tiên tiến vào sản xuất và thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định, quy trình về chất lượng, ATTP. Chúng tôi cam kết sản phẩm luôn được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, ATTP trước khi đưa ra thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Các ngành đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp cụ thể để đảm bảo ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Sở Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cam kết thực hiện ATTP. Khi phát hiện sai phạm, các lực lượng sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, địa phương, nhất là cấp xã phải phát huy vai trò của mình, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng tôi khuyến khích, vận động người dân trồng trọt, chăn nuôi không sử dụng chất độc hại. Ngoài ra, Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở, doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vấn đề này.