Cơ quan quản lý: Không thể truy xuất nguồn gốc
Với số dân khoảng 13 triệu người, nhưng ngành nông nghiệp của TPHN chỉ có khả năng cung ứng 20% đến 30% nhu cầu thực phẩm thường ngày, số còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu từ quốc gia khác.
Thành phố đã có chủ trương lập “hàng rào” để ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xâm nhập vào các chợ đầu mối. Tuy nhiên, trên thực tế giải pháp này mới dừng lại ở việc tuyên truyền, động viên, chưa có chế tài cụ thể để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm.
Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân nhận định, thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản xảy ra.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho rằng, thương nhân trong chợ chỉ biết nhập sản phẩm về bán chứ thực ra không thể biết được mặt hàng đó có chứa chất cấm hay không, được nuôi trồng như thế nào. Vì vậy khi phát hiện sản phẩm vi phạm, các đơn vị liên quan tiến hành xử lý thì thương nhân chỉ biết ngồi khóc vì bị thiệt hại và mất uy tín với khách hàng.
Ngoài các chợ đầu mối, trên toàn thành phố hiện có 233 chợ truyền thống, chợ tự phát chuyên kinh doanh ngành hàng thực phẩm ăn uống. Đa số các mặt hàng thực phẩm tại chợ truyền thống đều nhập về từ chợ đầu mối. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện công tác kiểm tra xử lý tại 3 chợ đầu mối (Hóc Môn - Bình Điền - Thủ Đức) chưa đạt yêu cầu, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn vẫn vào chợ.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát an toàn thực phẩm không chỉ khó khăn với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ mà ngay cả cơ sở có thương hiệu lớn cũng “bế tắc”. Dẫn chứng cho vấn đề trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Thương mại Sở Công thương thành phố chỉ ra, tháng 4/2016 phát hiện 80 con heo chuyển về giết mổ tại Công ty thực phẩm Vissan có chứa chất chất cấm Salbutamol. Ngay sau đó, các đơn vị liên quan và cả cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, nhưng đến nay vẫn không truy ra được nguồn gốc xuất xứ của số heo trên
Người dân: Hoàn toàn không có khả năng để nhận biết
Phân tích của TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng, TPHN, chỉ ra, thực phẩm từ khâu sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, lưu thông... ở nước ta là chuỗi liên hoàn, đa dạng và phức tạp.
Chuỗi thực phẩm đi qua rất nhiều khâu khác nhau, vì lưu hành trên những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, trở thành một ma trận diễn ra hàng ngày trên toàn quốc. Bất kỳ khâu nào trong chuỗi không đảm bảo thì sản phẩm cuối cùng sẽ không đạt chất lượng.
Mặc dù từ tháng 3/2017, TPHN đã ra mắt Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn thực kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho người dân nhưng trong giai đoạn đầu của thí điểm 3 năm, Thành phố cũng mới chỉ tập trung tuyên truyền, công bố cơ sở làm ăn chưa đúng cũng như kiểm soát được chất lượng thực phẩm từ 3 chợ đầu mối. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kiểm soát những gì thì chưa có quy định rõ ràng.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố, thực phẩm kém chất lượng vẫn lên bàn ăn của người dân là do công tác thanh tra liên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì nhân sự chưa đủ, phương tiện hỗ trợ chưa đủ. Khi lấy mẫu kiểm nghiệm phát hiện sản phẩm chứa chất nguy hại thì tất cả đã tiêu thụ hết.
Hậu quả là người dân tiếp tục hoang mang khi “không ăn cũng chết mà ăn cái gì vào cũng chết nhưng các chất độc hại trong thực phẩm người dân hoàn toàn không có khả năng để nhận biết vì thế không có quyền chọn lựa. Đây là thực trạng biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, TS Trường Giang chia sẻ.