Mặc dù giá cả có cao hơn so với các mặt hàng này được bày bán ở chợ truyền thống nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Lý do bởi nhiều cửa hàng có chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng rau củ tươi sống, vốn trước đây là nhóm mặt hàng khó đưa lên kinh doanh online do thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng, thì nay đang gia tăng. Xu thế này một phần đến từ câu chuyện ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm mua thực phẩm sạch, an toàn trên mạng có chứng nhận rõ ràng, được chọn lọc hơn so với kênh mua bán thông thường tại chợ.
Hầu hết gian hàng online cạnh tranh với chợ truyền thống bằng cách kinh doanh các loại thực phẩm hữu cơ được sản xuất với quy trình sạch, yêu cầu quá trình nghiên cứu và chăm sóc kỳ công hơn. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của công nghệ, các chủ cửa hàng online có thể đưa trực tiếp những hình ảnh sản phẩm, giúp cả người bán và người mua có sự tương tác nhanh hơn.
Chị Trần Hoài Thu, nhân viên Ngân hàng Techcombank bén duyên với nghề bán thực phẩm sạch online rất tình cờ. Trong một lần lướt Facebook, chị tìm được một địa chỉ bán thịt lợn sạch, mua về ăn thấy ngon, chị giới thiệu đến bạn bè và nhận đặt mua hộ.
Dần dần, số người nhờ mua ngày một nhiều, chị Thu quyết định xây dựng một trang web bán hàng chuyên nghiệp để cung cấp thịt lợn sạch. Đối với chị Phạm Thị Thanh Hương, chủ trang mạng “Gánh hàng rong” trên Facebook có hơn 177.000 lượt theo dõi, thì các sản phẩm được đăng bán trên “Gánh hàng rong” đều có nguồn gốc từ các vùng quê, canh tác theo lối truyền thống, không bảo quản bằng hóa chất.
Để minh chứng điều đó, trên “Gánh hàng rong” không chỉ đăng hình ảnh, mà còn quay video, phát trực tiếp tại nơi lấy hàng để tăng độ tin cậy với khách hàng.
"Giờ đi đâu cũng nghe nói đến thực phẩm không an toàn, nên tôi rất sợ mua rau củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài chợ. Vì vậy, gần đây tôi thường hay chọn mua thực phẩm tại các siêu thị, hoặc mua hàng trực tuyến khi họ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm", chị Thu Hoài (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Cũng giống như chị Thu, chị Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong những "tín đồ" hay mua hàng online cho biết, mua thực phẩm ở những cửa hàng online có uy tín, độ tin cậy cao, họ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm dù giá cả có đắt hơn so với đi chợ truyền thống nhưng tiện lợi và đảm bảo.
Trước đây do thực phẩm, đặc biệt là các loại mặt hàng rau củ tươi, vốn là nhóm mặt hàng khó đưa lên online vì vấn đề bảo quản và thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn tăng đã khiến loại hình kinh doanh online mặt này phát triển.
Về sản xuất, chu trình thương mại điện tử đã được tối ưu giải quyết được vấn đề của bảo quản, vận chuyển sản phẩm, rút gọn quy trình từ vườn rau đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, về tiêu dùng, thương mại điện tử đã đi đến những ngõ ngách sâu nhất về thói quen mua hàng của người Việt, phát huy tối đa lợi ích của mô hình này mang lại cho khách hàng.
Kinh doanh thực phẩm sạch online không tốn tiền thuê mặt bằng, vốn ít, không giới hạn thời gian, nên tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận từ 15-30% và quay vòng vốn nhanh. Ngoài ra, thực phẩm bán online tạo điều kiện khá thuận lợi cho người tiêu dùng.
Chị Ngân Anh (quận Hoàng Mai) cho hay, vì làm việc theo giờ hành chính, chỗ làm khá xa nhà, thường phải đi sớm về muộn không có nhiều thời gian đi mua sắm nên chị đặt mua online. Người bán giao đồ tận nhà hoặc cơ quan, nên tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy giá có hơi cao so với mua ở ngoài chợ, nhưng thuận tiện và biết được nguồn gốc.
Tham khảo giá tại một số cửa hàng online, giá các mặt hàng rau được trồng thủy canh có thể cao hơn tại các chợ truyền thống từ 5.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, cà rốt 35.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng); khoai tây 45.000 đồng/kg (cao hơn 7.000 đồng); cải ngọt 35.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng)… Riêng các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm có sự chênh lệch khá cao, từ 25.000 - 40.000 đồng/kg.
Bên cạnh những tiện ích, trên thực tế vẫn còn không ít cá nhân kinh doanh trực tuyến qua các trang web, mạng xã hội chưa có giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm.
Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai./.