Khó quản bếp ăn nhóm trẻ tư thục Tại Tọa đàm trực tuyến về bảo đảm
an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, hằng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phục vụ khoảng hơn 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1 đến 4 bữa, tùy theo từng trường.
Hầu hết các
bếp ăn tập thể trường học đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm như: Thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở,
dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp
chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp giữa các ngành chức năng chưa được chặt chẽ. Thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, điển hình là vụ việc tại Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ phải nhập viện. Bên cạnh đó, số trường mầm non và nhóm trẻ tư thục xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng vấn đề quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm với các cơ sở này cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hằng năm, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều rất quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú. Ngoài các bếp ăn ở các trường mầm non công lập, các trường tiểu học, THCS, THPT, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ mầm non tư thục. Các cơ sở này phải bảo đảm điều kiện thì mới cho nấu ăn.
Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế, những nhóm trẻ hay trường mầm non tư thục là những cơ sở sử dụng địa điểm sẵn có, không phải được xây dựng với mục đích ban đầu là nuôi dạy trẻ, nên khu vực bếp ăn không được chú trọng.
Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, trên địa bàn quận hiện có 74 nhóm trẻ tư thục và mỗi nhóm trẻ có từ 30 đến dưới 50 cháu, nằm rải rác trên địa bàn và nhiều cơ sở ở rất sâu trong khu dân cư. Mỗi năm chỉ cần rà soát hết một lượt các cơ sở này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng gặp khá nhiều khó khăn. Quận đã yêu cầu chủ các nhóm trẻ tiếp cận nguồn thực phẩm sạch. Tuy nhiên, có những nhóm trẻ do mức thu học phí không cao, nên thực phẩm rất dễ bị lấy từ những nguồn không bảo đảm an toàn.
Cần sự giám sát của phụ huynh Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể ngày càng chặt chẽ cần sự phối hợp giữa nhà trường và Ban Đại diện phụ huynh học sinh. Bà Trần Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cho biết, nhà trường rất muốn Ban Đại diện phụ huynh học sinh tham gia, giúp trường kiểm soát về số lượng, chất lượng các thực phẩm nhập vào. Trên thực tế, hằng ngày, tại Trường Mầm non thị trấn Trâu Quỳ, Ban Đại diện phụ huynh học sinh vẫn thay nhau tham gia, theo dõi từ lúc giao nhận đến các khâu
sơ chế, chế biến... thực phẩm.
Theo bà Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ), từ nhiều năm nay, nhà trường đã phối hợp với Ban Đại diện phụ huynh học sinh trong khâu giao nhận thực phẩm. Các bậc phụ huynh khi được trực tiếp giám sát, họ cảm thấy yên tâm hơn với bữa ăn bán trú tại trường của con em mình.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, công tác quản lý bếp ăn tập thể các trường học phải được tăng cường. Sở Y tế tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp, đồng thời quy trách nhiệm cho ban giám hiệu nhà trường, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong các bếp ăn trường học.
Sở Y tế cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban đại diện phụ huynh học sinh các nhà trường