- Theo quan điểm của ông, cần làm gì để cải cách hành chính trong lĩnh vực ATTP được thực chất và “giấy phép con” không có đất để mọc trở lại? - Sẽ khó có chuyện phát sinh “giấy phép con” trong cấp phép công bố sản phẩm thực phẩm, bởi hiện hầu hết các sản phẩm thực phẩm DN đều tự tiến hành
công bố sản phẩm rồi sau đó gửi tới các cơ quan nhà nước để thông báo mà không cần yêu cầu xác nhận, do vậy giảm rất nhiều thủ tục hành chính cho DN. Song, dù NĐ 15 tạo thông thoáng cho DN, nhưng không buông lỏng quản lý, bởi dù có cho phép DN
tự công bố sản phẩm, nhưng không có nghĩa DN muốn công bố thế nào cũng được, muốn quảng cáo ra sao cũng tùy.
Theo quy định, việc công bố các chỉ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng phải căn cứ vào các quy chuẩn mà Bộ Y tế đã công bố trước đó, nếu vi phạm, công bố quá thấp hoặc quá cao, DN sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị xử lý, bị thu hồi sản phẩm, ngừng sản xuất, bồi thường thiệt hại (nếu có)...
- Liệu rằng, việc chuyển phương thức từ tiền kiểm cộng với hậu kiểm như thời gian trước, sang chỉ tập trung vào hậu kiểm, sẽ tạo ra kẽ hở trong công tác kiểm soát ATTP, thưa ông? - Để kiểm soát tốt chất lượng ATTP, tránh tạo ra kẽ hở quản lý, Bộ Y tế đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác hậu kiểm. Theo đó, nếu như trước đây việc lấy mẫu kiểm tra mất khá nhiều thời gian thì nay việc lấy mẫu và công bố kết quả được thực hiện nhanh chóng, giảm tối đa chi phí. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch kiểm tra sản phẩm
nhập khẩu được bán ra thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, nâng mức phạt để tạo tính răn đe, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Điều 317 của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định vệ sinh ATTP, trong đó có mức xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù để tránh tối đa việc
kinh doanh thực phẩm không bảo đảm chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
- Những gì Bộ Y tế đang tiến hành là hết sức cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là năng lực thực thi của bộ máy. Làm sao hậu kiểm nổi khi mà lực lượng thanh tra y tế cũng như thanh tra chuyên ngành ATTP còn quá thiếu và yếu? - Từ trước đến nay, thực tế còn tình trạng một số địa phương vẫn “khoán trắng” công tác thanh, kiểm tra ATTP cho cơ quan y tế. Song ATTP là vấn đề lớn của xã hội, việc quản lý cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Do vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương phải dồn nguồn lực vào công tác hậu kiểm. Bên cạnh, đòi hỏi chính quyền địa phương cũng phải xắn tay vào cuộc, giám sát, thanh, kiểm tra, hậu kiểm. Ngoài ra, khi tiến hành hậu kiểm, Bộ Y tế yêu cầu các cán bộ cần thực hiện lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay, không đạt
kết quả kiểm nghiệm phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Tránh trường hợp đi kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhưng mấy tháng sau mới có kết quả, lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra bán, tiêu thụ hết và người tiêu dùng đã chịu hậu quả.
- Dư luận đã nhiều lần bức xúc với việc ba bộ cùng quản lý một chiếc bánh Trung thu mà vẫn xảy ra mất ATTP. NĐ 15 có thay đổi được tận gốc sự chồng chéo trong quản lý không, thưa ông? - Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, Nghị định đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của ba Bộ gồm Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Riêng với một số DN sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của hai Bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý. Như vậy, DN sẽ không phải qua ba Bộ như trước đây. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của địa phương cũng được tăng cường. Nghị định không quy định trực tiếp cho đơn vị nào của địa phương quản lý mà giao cho UBND tỉnh, thành phố quyết định, dựa theo tình hình thực tế của từng địa phương