Thật khó có thể hình dung nỗi khốn khổ của công nhân đang ngày đêm bị vắt kiệt sức lực trong các doanh nghiệp thâm dụng lao động hiện nay. Một bữa sáng tạm bợ với gói xôi, trái bắp hoặc một ổ bánh mì... để bước vào công xưởng. Trong 8 giờ miệt mài với công việc, sức lực của họ chỉ dựa vào bữa cơm giữa ca. Ai cũng biết bữa cơm giữa ca của công nhân khó có thể bảo đảm năng lượng để họ tái tạo sức lao động. Gặp những bữa ăn mất vệ sinh, chất liệu ôi thiu đầy nguy cơ gây bệnh thì khác nào chính họ đang bị đầu độc. Không có đồng lương nào, không có cái giá nào có thể bù đắp được sức khỏe của họ bị bào mòn từng ngày.
Thực trạng trên không là cá biệt. Hầu như tuần nào chúng ta cũng bắt gặp thông tin công nhân bị ngộ độc thực phẩm dù được giấu giếm khá kỹ lưỡng từ doanh nghiệp, thậm chí là các cơ quan chức năng. Một suất ăn công nghiệp có giá trung bình chỉ 18.000 đồng (có nơi chưa đến 13.000 đồng) nhưng gánh đủ các chi phí không tên: tiền lót tay cho người ký hợp đồng, bòn rút của nhân viên mua nguyên vật liệu, tiền “ứng phó” với cơ quan kiểm tra... Phần còn lại trên bàn của công nhân là những miếng cá ươn, thịt ôi, rau mũn là điều dễ thấy.
Liên quan trách nhiệm đến suất ăn công nghiệp có rất nhiều cơ quan chức năng, từ lao động, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương... Thế nhưng, sự an toàn của các bữa ăn này bao nhiêu năm qua vẫn chưa được bảo đảm, chất lượng chưa được nâng lên. Nhìn vào báo cáo của các đoàn kiểm tra luôn đẹp đẽ, chỉ có công nhân phải cam chịu với những bữa ăn “nhìn không dám nuốt”.
Với hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phía Nam thì có đến hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Mỗi năm xảy ra đến mấy chục vụ ngộ độc thực phẩm nhưng thử hỏi có mấy doanh nghiệp bị đóng cửa, chủ doanh nghiệp bị xử lý mạnh tay vì chế biến suất ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm? Trong khi đó, hời hợt với vấn đề này chính là hời hợt với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bao con người.
Không ít doanh nghiệp đã phó thác toàn bộ chất lượng bữa ăn cho cơ sở cung cấp và đòi hỏi giá bán càng thấp càng tốt. Ngay cả lãnh đạo doanh nghiệp cũng không dám dùng những suất ăn này nhưng luôn ngoảnh mặt để công nhân sử dụng hằng ngày. Doanh nghiệp luôn than phiền năng suất lao động thấp trong khi cứ tìm mọi cách vắt kiệt sức lao động, không chăm lo cho công nhân thì làm sao có được năng suất cao? Công nhân không thể toàn tâm toàn ý dốc sức cho những ông chủ chỉ biết trục lợi trên sức khỏe của họ.
Công nhân là vốn quý của doanh nghiệp. Không chăm lo cho sức khỏe, tinh thần của công nhân, thử hỏi các ông chủ doanh nghiệp lấy tư cách gì để đòi hỏi họ phải nâng cao tay nghề, bán sức lao động để mang về lợi nhuận tối đa cho mình?