Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo, hiện tượng buôn bán sản phẩm
nông sản, động vật từ các tỉnh khác về Hà Nội vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Còn nhiều khó khăn Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và
thủy sản Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 17.011 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, có 13.513 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (1.427 công ty, doanh nghiệp và 15.584 hộ sản xuất, kinh doanh) và gần 200.000 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Do số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiều nhưng tự phát, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư nên việc kiểm soát chất lượng còn khó khăn.
Đặc biệt, công tác quản lý rau và
thịt đang phải đối mặt với những thách thức lớn, rất phức tạp. Sản xuất rau an toàn vẫn còn manh mún; mạng lưới tiêu thụ rau an toàn phát triển chậm. Việc quản lý rau của các tỉnh đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ.
Đối với chăn nuôi, giết mổ chủ yếu là nhỏ, lẻ, trong khu dân cư. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.070
cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó số cơ sở được kiểm soát là 128 cơ sở, số lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ của Thủ đô. Toàn thành phố mới triển khai được 7/11 điểm giết mổ công nghiệp, sản lượng giết mổ thực tế khoảng 61 tấn/ ngày chỉ đạt 17% so với công suất thiết kế.
Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện nay việc quản lý về an toàn thực phẩm được phân cấp đến huyện và xã; đối tượng quản lý lớn nhưng lực lượng thực hiện công tác trên còn “mỏng”, thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn phù hợp và thường xuyên thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu đối với cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, chưa thật sự quyết liệt; công tác kiểm tra, xử lý chưa nghiêm; ý thức người sản xuất, kinh doanh còn thấp nên chưa thúc đẩy cơ sở sản xuất,
kinh doanh sản phẩm an toàn phát triển.
Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở đã phải tiêu hủy hơn 4 tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó 1.074 con gia cầm lông; 3 tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm; 220kg hạt hạnh nhân, 550kg hạt hướng dương, 17kg mộc nhĩ; yêu cầu khắc phục hơn 1.150kg sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa…
Đẩy mạnh công tác kiểm soát từ gốc Để nâng cao chất lượng, quản lý các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bán ra thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững và có hàng hóa lớn.
Sở phối hợp với các đơn vị xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm an toàn và tìm đầu ra cho các sản phẩm an toàn; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong việc
chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Các đơn vị của Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp; phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất,
sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm sản, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt chất cấm.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê, kiểm tra đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân công, phân cấp của thành phố; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, thu hẹp và tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm
vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Sở cũng giao cho các đơn vị tiếp nhận, kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời các vụ việc về an toàn thực phẩm theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân thông qua đường dây nóng của Sở, yêu cầu của cơ quan cấp trên. Sau khi có kết quả, báo cáo cơ quan cấp trên, thông báo cho cơ sở và chính quyền địa phương biết để có biện pháp quản lý theo quy định; thông tin cho người tiêu dùng biết để giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên thị trường