Không bắt buộc tuân thủ
TS Phạm Thị Hạnh Thơ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) thuộc Viện Cây lương thực và Thực phẩm cho biết, từ năm 2010 - 2016 diện tích hữu cơ của Việt Nam đã tăng từ khoảng 19 nghìn ha lên hơn 53 nghìn ha, tuy nhiên con số này mới chỉ chiếm 0,5% tổng diện tích đất canh tác.
Thủy sản hữu cơ của Việt Nam có bước tăng về diện tích đáng kể giai đoạn này (từ hơn 11 nghìn ha lên hơn 58 nghìn ha). Các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.
Tuy vậy, việc phát triển tiêu chuẩn hữu cơ còn nhiều cản trở do có những bất cập trong bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia TCVN.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm
vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định bởi Luật An toàn thực phẩm do Quốc hội ban hành năm 2010 nhưng chỉ là các quy định chung. Đối với tiêu chuẩn VietGAP, Việt Nam là nước đã chính thức công bố tiêu chuẩn này thành tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2017.
Theo phân loại trên thì tiêu chuẩn VietGAP được xếp vào loại: Tiêu chuẩn do Nhà nước đặt ra và vẫn là tự nguyện. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, đối với sản phẩm rau quả cũng xuất hiện một số các tiêu chuẩn tự nguyện khác do các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng như Organic USDA, Organic PGS. Sản phẩm GlobalGAP cũng được sản xuất ở Việt Nam nhưng chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Tiêu chuẩn hữu cơ TCVN cũng giống như tiêu chuẩn VietGAP, được xếp vào loại tiêu chuẩn tự nguyện do Nhà nước ban hành. Do đó, cũng giống như VietGAP, chính
sách phát triển tiêu chuẩn hữu cơ TCVN đã được Chính phủ quy định và định hướng trong Nghị định 109 và cụ thể hóa thông qua đề án phát triển hữu cơ.
Tuy nhiên, là tiêu chuẩn tự nguyện và đòi hỏi phải có bên thứ ba chứng nhận như VietGAP, nên doanh nghiệp có quyền lựa chọn có hoặc không áp dụng. Trong khi đó, họ cứ mặc nhiên công bố đó là sản phẩm hữu cơ.
Bài học từ VietGAP
Theo bà Phạm Thị Hạnh Thơ, vì bản chất tự nguyện nên các tác nhân của chuỗi giá trị bao gồm cả nhà sản xuất và các nhà thu mua sản phẩm không phải tuân thủ theo tiêu chuẩn này mà có thể lựa chọn các tiêu chuẩn khác nhau để áp dụng.
Tiêu chuẩn được Nhà nước kỳ vọng là sẽ được áp dụng rộng rãi như VietGAP cũng không thành công vì chi phí cho hạ tầng cơ sở để áp dụng VietGAP khá tốn kém, giá chi trả cho giấy chứng nhận VietGAP khá đắt đỏ, đây không phải là tiêu chuẩn bắt buộc. Việc ghi chép nhật ký sản xuất khá vất vả, phức tạp đối với các nhà sản xuất nhỏ...
Kết quả là VietGAP chỉ thực sự được áp dụng và tuân thủ khi có chương trình và dự án hỗ trợ. Các nhà sản xuất áp dụng VietGAP vẫn phải tiêu thụ sản phẩm ở thị trường tự do bởi lượng hàng bán cho kênh cao cấp chiếm tỷ lệ không nhiều.
Thực tế, nhiều nhà sản xuất quay lại với sản xuất truyền thống bởi không theo bất cứ tiêu chuẩn nào vẫn có thể tiêu thụ sản phẩm trên thị trường tự do. Ngoài ra, việc quản lý quá trình kiểm soát cấp giấy chứng nhận VietGAP đã có những sai phạm làm giảm hiệu quả và uy tín của tiêu chuẩn này. Thậm chí giấy chứng nhận VietGAP được mua bán công khai.
PGS. TS Lê Văn Hưng, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện tại hệ thống các văn bản hướng dẫn và quy định về sản xuất hữu cơ còn chưa hoàn thiện và đồng bộ nên rất cần thiết phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn thống nhất, ban hành, bắt buộc áp dụng nếu muốn canh tác hữu cơ bền vững.
Còn ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cần sự phát triển ổn định, bền vững.
Hiện tại, nhiều nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết, quy trình sản xuất yêu cầu khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng, không sử dụng phân bón tổng hợp, chi phí sản xuất cao mà năng suất nói chung là thấp...
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Điều phối Hệ thống Đảm bảo cùng tham gia, PGS, đơn vị cấp phép chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam cho biết: Ở các nước phát triển, sản phẩm hữu cơ lưu thông trên thị trường bắt buộc phải được chứng nhận hoặc của chính phủ hoặc của cơ quan chứng nhận tư nhân và phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt về đóng gói, ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc.
Ví dụ như chứng nhận USDA (Mỹ), KRAV (Thụy Điển), JAS (Nhật Bản), ACT (Thái Lan)… Thông qua chứng nhận, sẽ bảo hành chất lượng hữu cơ tới người tiêu dùng và qua tem chứng nhận dán trên sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường. Điều này có nghĩa, những sản phẩm chỉ khi được chứng nhận bởi một cơ quan chứng nhận hữu cơ có uy tín thì đó mới thực sự là sản phẩm hữu cơ.
Ở Việt Nam, những sản phẩm niêm yết là “hữu cơ” đang ngày một nhiều nhưng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ chưa phổ biến. Một số
siêu thị,
cửa hàng của tư nhân có bán những sản phẩm hữu cơ
nhập khẩu nhưng chủ yếu là các sản phẩm
chế biến như
sữa, đồ hộp và mỹ phẩm…
Sản phẩm hữu cơ phải được chứng nhận và dán nhãn bởi hệ thống chứng nhận. Hiện ở Việt Nam duy nhất có hệ thống PGS bảo đảm chất lượng hữu cơ.
Qua hệ thống PGS mới chỉ có rau, bưởi và nhãn được cấp chứng nhận hữu cơ PGS, các sản phẩm như
thịt gà, lợn, gạo,
trứng… chưa được PGS cấp chứng nhận. Để có thể lựa chọn được sản phẩm thực sự hữu cơ, người tiêu dùng khi mua sản phẩm, hãy xem kỹ trên bao bì những thông tin về sản phẩm và chỉ nên mua các sản phẩm đã được chứng nhận.
Các sản phẩm được cấp chứng nhận PGS đều phải được đóng gói cùng với
nhãn hiệu PGS in trên bao bì sản phẩm có kèm theo các thông tin để truy xuất nguồn gốc như mã, tên liên nhóm và nhóm sản xuất.