Theo các chuyên gia, thực phẩm chay thường được làm từ tinh bột, ngũ cốc và đạm thực vật. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm.
Chất tạo màu, tạo mùi nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, có khả năng gây rối loạn về hormone giới tính, thậm chí gây ung thư.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HN từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay trường phải lo lắng: Hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay, khá cao. Kết quả được đưa ra sau khi kiểm tra bốn mẫu mì thường được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.
Tại một số siêu thị và cửa hàng, đa phần sản phẩm chay đều có nhãn mác, tên đơn vị sản xuất, thành phần, hạn sử dụng nhưng những thông tin này vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào về an toàn thực phẩm đứng ra chứng nhận, đảm bảo. Điển hình là các mặt hàng nước mắm hay một số thực phẩm chay đóng hộp.
Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu lòe loẹt. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi là bảo đảm nhất