Tại TP Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm CfoodSTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân thành phố. Ðể khắc phục những bất cập về quản lý nhà nước trong công tác quản lý CfoodSTP, tháng 2-2017, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 06/2017/ QÐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Ðây là cơ quan chuyên trách tổ chức thực thi pháp luật về CfoodSTP trên địa bàn thành phố. Trước đó, tháng 12-2016, Sở Công thương triển khai thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo cung cấp trên thị trường thành phố. Từ tháng 1-2017, Chương trình truy xuất nguồn gốc rau xanh cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Theo các đề án, với chiếc điện thoại thông minh trong tay, người tiêu dùng có thể biết rõ nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm mình mua được sản xuất ở đâu, theo quy trình nào, quá trình vận chuyển, bảo đảm vệ sinh ra sao trước khi được bày bán cho người sử dụng... Có thể nói, những nỗ lực nêu trên của các cơ quan chức năng đã bước đầu đưa công tác quản lý CfoodSTP trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp. Tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được nâng lên một bước. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng có ý thức cao hơn trong việc chọn lựa thực phẩm sạch, an toàn để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác bảo đảm CfoodSTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Lượng rau xanh sản xuất theo quy trình VietGap chưa đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng. Khoảng 80% số lượng rau, củ, quả tươi trên thị trường thành phố là do các địa phương khác cung ứng. Phần lớn thực phẩm từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống chưa xác minh được nguồn gốc, chưa kiểm soát được tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn. Tình trạng giết mổ gia cầm trái phép ở các chợ truyền thống, chợ tự phát vẫn diễn ra. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là hàng rong, thức ăn đường phố hoạt động không có giấy phép, nguồn gốc thực phẩm không được kiểm tra. Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái thương hiệu; sử dụng hóa chất cấm, phụ gia không được phép trong chế biến thực phẩm vẫn tồn tại. Hoạt động kinh doanh hóa chất vẫn diễn biến phức tạp... Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các địa phương chưa thật sự làm tốt công tác quản lý. Việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm chủ yếu là bằng biện pháp hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Để công tác quản lý CfoodSTP thật sự có hiệu quả cần tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ: Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện mở rộng số lượng, quy mô các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi thực phẩm theo quy trình VietGap; mở rộng các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối, kinh doanh; thành lập các trung tâm, cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực ở các chợ đầu mối, phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn vào thành phố; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm.
Nếu chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn mình phụ trách, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc mua và tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm thì tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không an toàn sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi.