Bộ Tài chính vừa rà soát, bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ một số loại phí, lệ phí không hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sản xuất, kinh doanh giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngoài chuyển 6 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện theo giá dịch vụ, gồm thủy lợi phí; phí kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi; phí kiểm nghiệm thuốc thú y; phí kiểm định, khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; phí chẩn đoán thú y, Bộ Tài chính đã đề nghị bãi bỏ 9 khoản lệ phí khác, cụ thể: Lệ phí cấp chứng nhận kết quả giám sát khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng; lệ phí cấp phép sản xuất - kinh doanh thuốc thú y; lệ phí cấp phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật...
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc bãi bỏ một số loại phí, lệ phí nêu trên, trước mắt có thể giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, nhưng về lâu dài sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh thuận lợi, từ đó tạo ra nhiều nguồn thu thuế về sau này.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hà, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, nguồn vốn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm từ 8% đến 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực doanh nghiệp, trong đó: Vốn của doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số loại phí, lệ phí không hợp lý, đồng thời đã miễn giảm một số loại thuế nhằm chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn chịu nhiều rủi ro...
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho biết, trước đây, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã phải gánh tới 93 loại phí, lệ phí và 38 khoản đóng góp xã hội khác theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, việc bãi bỏ 9 loại phí mà Bộ Tài chính vừa thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh giảm giá thành sản phẩm, tăng giá bán, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Không những thế, một số khoản phí chuyển sang thu phí dịch vụ, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc tìm đối tác ký kết hợp đồng cung cấp nông sản theo thỏa thuận, bảo đảm quyền lợi giữa các bên, không còn cảnh chồng chéo về mặt thủ tục hành chính giữa các sở, ngành.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Nhiều ý kiến cho rằng, để các quy định về bãi bỏ một số loại phí, lệ phí đi vào cuộc sống thì việc đầu tiên cần làm là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận chính sách mới.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc chuyển một số khoản phí sang thực hiện theo giá dịch vụ và bãi bỏ các khoản lệ phí là rất cần thiết nhằm giảm gánh nặng về phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, vấn đề là phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng chính sách này. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần tập trung cho công tác cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa, các sở, ngành trực thuộc tỉnh, thành phố cần rà soát, tránh chồng chéo trong công tác quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng nông sản mà doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị. Còn ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam kiến nghị, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, bỏ các loại phí, lệ phí "hành" doanh nghiệp, kể cả phí, lệ phí được quy định trong danh mục nhưng đã "lỗi thời", trở thành lực cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ thực tế hoạt động quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để bảo đảm tính nhất quán, không làm "méo mó" chính sách, các ngành chức năng cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật, quy định rõ ràng để doanh nghiệp tuân thủ. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp điều chỉnh phương thức sản xuất, có trách nhiệm hơn với chất lượng sản phẩm của mình và tự chịu trách nhiệm khi đưa ra thị trường những mặt hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm tải những công việc hành chính, giấy tờ, tập trung nhân lực, vật lực cho công việc khác.
Thực tế cho thấy, sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vốn chịu nhiều rủi ro. Vì vậy, những chính sách mới về phí, lệ phí hy vọng sẽ phần nào giảm được áp lực cho doanh nghiệp. Qua đây, doanh nghiệp không những giảm được giá thành sản xuất mà còn có điều kiện tập trung vào đầu tư cho những mặt hàng bảo đảm chất lượng, đồng thời tự công bố, tự chịu trách nhiệm...