Tìm kiếm giảm pháp nâng cao chất lượng chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm Việt Nam là chủ đề chính được các chuyên gia thảo luận tại “Hội nghị quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/11.
* Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững
Ông Bùi Trường Thắng - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng khá trong nhiều năm liền.
Riêng nhóm hàng rau, củ quả đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 dự kiến sẽ đạt hơn 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số ngành như sữa, đồ uống, bia rượu cũng được dự báo có thể tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Cụ thể, công nghiệp thực phẩm là ngành có áp lực cạnh tranh cao và ngày càng gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Quá trình hội nhập quốc tế giúp cắt giảm thuế quan xuất khẩu nhưng cũng đòi hỏi hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, hình thức mẫu mã…
Một thực tế khác là mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sản lượng xuất khẩu lớn nhưng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước không ổn định cả về chất lượng và số lượng.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng và đơn giá sản phẩm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điển hình như ngành chế biến sữa, Việt Nam hiện phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu; tương tự ngành sản xuất bia Việt Nam cũng phải nhập khẩu tới 75% nguyên liệu hay trên 90% nguyên liệu của ngành chế biến dầu ăn phải nhập khẩu…
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực phẩm sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam nhưng hiện nay công nghiệp chế biến ngành hàng này còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.
Bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nêu dẫn chứng, Việt Nam hiện chiếm 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của thế giới; riêng năm 2017, dự kiến có thể xuất khẩu hơn 200.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị thu về lại rất thấp so với nhiều quốc gia khác vì chủ yếu xuất khẩu tiêu thô hoặc sơ chế mà chưa có sản phẩm chế biến sâu.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, một trong những sản phẩm tiêu có giá trị gia tăng cao nhất hiện nay là dầu nhựa tiêu. Đây cũng là sản phẩm giúp ngành chế biến tiêu Ấn Độ thu về nhiều lợi nhuận.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có bất kỳ nhà máy chế biến dầu nhựa tiêu nào và các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư công nghệ để chế biến sản phẩm này. Điều này khiến ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam khó giữ được mức độ tăng trưởng về mặt giá trị.
Không chỉ ở ngành hồ tiêu, ít đầu tư phát triển sản phẩm cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, từ năm 2014 - 2017, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển; trong khi đó, doanh nghiệp ở các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippin thì tỷ lệ cho nghiên cứu, phát triển đều chiếm trên 10% doanh thu. Ngay như Lào cũng chi hơn 14% doanh thu để đầu tư nghiên cứu, phát triển.
Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường Nông Sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, ngành nông nghiệp là ngành trực tiếp cung cấp nguyên liệu cho chế biến thực phẩm nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam chậm thay đổi, chưa thích nghi với các phương thức sản xuất mới để có thể cạnh tranh trên quy mô lớn trong dài hạn.
Đặc biệt, việc sử dụng hóa chất và thuốc bào vệ thực vật đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Diện tích sản xuất nông sản Việt Nam lớn nhưng diện tích thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại rất ít. Trong khi muốn sản xuất thực phẩm có chất lượng tốt phải bắt nguồn từ nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt và an toàn.
* Nâng cao chất lượng chuỗi giá trị thực phẩm
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp này một cách bền vững, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Song Hà - trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, một trong những tiêu chí đầu tiên quyết định sự phát triển và bền vững của ngành chế biến thực phẩm là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều này đòi hỏi phải có một quy trình kiểm soát chất lượng của toàn bộ chuỗi sản xuất từ người sản xuất nguyên liệu đến đơn vị vận chuyển, bảo quản, sơ chế, bán lẻ và cả người tiêu dùng. Vì vậy, muốn có sản phẩm thực phẩm an toàn, doanh nghiệp không thể thực hiện phương thức “mua đứt bán đoạn” mà phải tham gia xây dựng chuỗi sản xuất.
Theo dự báo của FAO, từ nay đến năm 2025, nhu cầu về thực phẩm của thế giới không có sự gia tăng đột biến do quy mô dân số thế giới vẫn ở mức ổn định. Tuy nhiên, cơ cấu nhu cầu sản phẩm thực phẩm sẽ thay đổi rõ nét từ việc tiêu dùng thực phẩm cơ bản sang sử dụng phân khúc thực phẩm có chất lượng cao.
Vì vậy, doanh nghiệp chế biến thực phẩm không nhất thiết phải gia tăng công xuất, sản lượng mà cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Alexandre Bouchot - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thì cho rằng, nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam, mà ngay cả tại các nước phát triển ở Châu Âu cũng phải thường cải tiến thường xuyên. Trong đó, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất thực phẩm phải chú trọng đến việc nâng cao giá trị lợi nhuận cho nông dân, giúp họ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ở các khâu trung gian từ vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến đều phải áp dụng quy trình quản lý chất lượng, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, từ năm 2018, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thực phẩm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường tiêu thụ rộng lớn của EU. Để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư cho việc sản xuất các sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc vì đây là yếu tố mang tính quyết định sản phẩm thực phẩm có thể nhập vào thị trường này hay không.
Cùng quan điểm, bà Jocelyn Trần - Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á - Tập đoàn thu mua toàn cầu Walmart cho biết, cơ sở đầu tiên để các tập đoàn thu mua, phân phối toàn lựa chọn nhà cung ứng không phải là giá cả mà chính là chất lượng sản phẩm được kiểm soát như thế nào.
Walmart hiện đang ưu tiên thu mua nông sản, thực phẩm tại thị trường Đông Nam Á để phân phối ra toàn thế giới; trong đó có nhiều sản phẩm của Việt Nam như cá, thủy sản, bánh kẹo, các loại đậu…
Tuy nhiên để có thể trở thành nhà cung ứng của Walmart, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng về mặt quy mô và sản lượng nhất định. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng phảo minh bạch các thông tin về tài chính, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như trách nhiệm đối với người lao động và xã hội.
Theo các chuyên gia, không chỉ ngành chế biến thực phẩm mà ngay cả ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi chiến lược phát triển từ việc tập trung sản xuất sản lượng lớn và xuất thô phải chuyển qua sản xuất theo nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng.
Bà Đỗ Tuyết Mai - Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, muốn khẳng định chất lượng và tăng khả năng nhận diện cho thực phẩm Việt Nam thì xây dựng thương hiệu phải được đầu tư đúng mức, đồng bộ theo quy mô từng ngành hàng chứ không chỉ cho từng doanh nghiệp riêng lẻ.
Đối với quy hoạch sản xuất cần nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư vào cải tiến công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm có tính khác biệt, mang lại nhiều giá trị tăng thêm cho người tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Song song đó, cần nâng cao khả năng đàm phán, thương lượng và ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu./