Tham dự đoàn công tác của HĐND Thành phố có ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch HĐND TP.HN (Trưởng đoàn) và bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, cùng các thành viên của đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch HĐND TP.HN Phạm Đức Hải tại buổi làm việc với Sở KHCN Thành phố diễn ra vào sáng 14/3. |
Thay mặt Sở KHCN Thành phố, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc đã báo cáo với đoàn công tác của Ban giám sát HĐND TP.HN những kết quả công việc trong thời gian vừa qua, đặc biệt ở các lĩnh vực hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao tiềm lực KHCN nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HN Nguyễn Kỳ Phùng báo cáo về công tác thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. |
Bà Chu Vân Hải - Giám đốc Trung tâm CASE cho biết, hoạt động phân tích và thí nghiệm của Trung tâm đã phục vụ tốt nhiệm vụ đánh giá, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.
Cũng theo đại diện Sở KHCN Thành phố và Trung tâm, trong năm 2016, CASE đã thực hiện kiểm nghiệm khoảng 80.000 mẫu, trong đó có nhiều được gửi từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải khẳng định "đây rõ ràng là thành tích đáng ghi nhận và biểu dương đối với CASE, qua đó chứng tỏ Sở KHCN TP.HN đã và đang làm rất tốt vai trò định hướng, chỉ đạo điều hành".
Bà Hải khẳng định, Trung tâm CASE có quan hệ chặt chẽ và phối hợp tốt với nhiều đơn vị, như Sở Y tế, Sở NN&PTNT, cũng như các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn để kịp thời "vào cuộc" đối với nhiều sự việc liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm.
"Trong thời gian tới, CASE sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc nhận diện thực phẩm bẩn", bà Hải cho biết thêm, "Bên cạnh đó, CASE và Sở KHCN sẽ tiếp tục đề xuất đề án liên kết tiềm lực của các phòng thí nghiệm (không thuộc Sở cũng như của Thành phố), chứng thực chất lượng kiểm nghiệm của các trung tâm, và hơn hết là đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cao".
Đối với một số trường hợp có yêu cầu kiểm nghiệm gấp như ngộ độc, điều tra thì Trung tâm luôn ưu tiên kiểm thử để cho ra kết quả. Tuy nhiên, vẫn theo bà Hải, với kiểm nghiệm vi sinh thì về quy trình chuyên môn hiện tại và cơ sở khoa học thì phải tuân thủ "mốc 5 ngày".
Tại buổi làm việc, nhiều thành viên Ban giám sát đã đặt ra nhiều câu hỏi cho đại diện Sở KHCN Thành phố cũng như trung tâm CASE về công tác cải cách hành chính, mà cụ thể là thời gian trả kết quả, sự hợp tác cũng như vai trò của Sở KHCN, trung tâm CASE trong các đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà Thành phố đang ưu tiên triển khai như trồng trọt rau an toàn, thịt sạch.
Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, trong thời gian, với sự ra đời của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HN, thì rất cần sự hợp tác giữa CASE và Ban để giám định, kiểm nghiệm chất lượng của nhiều loại thực phẩm. Người đứng đầu Ban quản lý ATTP Thành phố cũng thẳng thắn kiến nghị HĐND TP.HN cần có chủ trương hỗ trợ CASE cũng như Ban quản lý ATTP Thành phố về cơ chế tài chính để thực hiện việc "test nhanh" các mẫu cần kiểm thử trong khi chờ các quy định từ Bộ, ngành liên quan. |
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HN cho rằng, cần huy động nguồn lực "công" lẫn "tư" trong hoạt động kiểm nghiệm, nhưng đặc biệt hơn hết vẫn là xây dựng một khung quy trình, đầu mối thông tin để chia sẻ thông tin (kết quả kiểm nghiệm) giữa các trung tâm kiểm nghiệm như CASE và các Sở, ngành.
Nói về vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN trên địa bàn, ông Dũng cho rằng, đừng chỉ giao nhiệm vụ phải tạo ra "ứng dụng KHCN" cho mỗi Sở KHCN, thay vào đó "chúng tôi mong muốn nhận được đặt hàng từ các đơn vị này".
Thậm chí, Giám đốc Sở KHCN TP.HN không ngần ngại chia sẻ rằng, trước đây, trong quá trình Sở KHCN đề nghị một số đơn vị Sở, ngành cùng góp ý về kế hoạch phát triển KHCN cho Thành phố trong giai đoạn 5 năm thì có nhiều đơn vị từng nói rằng "chúng tôi không ứng dụng KHCN"