Tốc độ tăng trưởng tốt
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước đạt 15% GDP. Trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến và đồ ướng tăng trung bình lần lượt khoảng 9,7% và 6,7%.
Những con số này cho thấy, sức hấp dẫn từ thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nói chung và chế biến thực phẩm công nghệ cao nói riêng, nếu doanh nghiệp có thể tận dụng được dư địa từ thị trường.
Cũng giống như việc thu hút FDI, đã đến lúc Việt Nam “săn” các nhà đầu tư “chất”, và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư FDI nói riêng sẽ tập trung vào đầu tư công nghệ cao.
Chính vì vậy, nhiều quỹ, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào các doanh nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao. Mới đây nhất phải kể đến thương vụ rót vốn trị giá 32,5 triệu USD của Quỹ Vietnam Opportunity Fund do VinaCapital vào Công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm Ba Huân. Theo đó, quỹ này sẽ mua lại một số lượng đáng kể số lượng cổ phiếu trong số cổ phần thiểu số. Được biết, công ty này đang sở hữu trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao với quy mô 18 ha và nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao quy mô 2ha.
Ngoài ra cũng phải kể đến hoạt động liên kết, đầu tư của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là CJ đã xây dựng chuỗi giá trị chế biến thực phẩm với nhiều sản phẩm đa dạng.
Ông Nam Sang Kun, chuyên gia xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc có lợi thế lớn về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn vốn “khủng”. Vì vậy điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng mới, tiến tới xây dựng các thương hiệu thực phẩm “Made in Vietnam”
Định hướng xuất khẩu
Quay trở lại thương vụ “bạc tỷ” giữa VOF và Công ty Ba Huân, lý giải về lý do đầu tư vào Công ty Ba Huân mà không phải là doanh nghiệp nào khác, ông Andy Ho, Giám đóc đầu tư VinaCapital cho biết: “Ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có các cơ hội tăng trưởng lớn do người tiêu dùng ngày càng chi tiêu cho các sản phẩm có chất lượng và tốt cho sức khỏe. Theo đó, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế”.
Ngoài ra, ông Andy Ho cũng cho biết, dự kiến sẽ tiếp tục có một đợt rót vốn lần thứ 2 vào Công ty Ba Huân vào tháng 12 của năm nay.
Điều này đã lý giải sức hút mạnh mẽ từ tốc độ tăng trưởng và dư địa từ thị trường Việt Nam để ngành công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao phát triển.
Theo nguồn tin từ Công ty Ba Huân, dự kiến năm 2018, công ty này sẽ hoàn tất thủ tục để xuất khẩu trứng sang một số thị trường ở khu vực châu Á. Điều này cho thấy, ý định rót vốn lần 2 dự kiến trong năm nay của VOF vào Công ty Ba Huân là có những tính toán nhất định. Bởi, khi quỹ này đầu tư vào Ba Huân, ngoài việc mong muốn khai thác lợi thế thị trường nội địa thì mục tiêu hướng tới hoạt động xuất khẩu cũng được chú trọng. Trong thực tế, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng chủ lực từ lâu đã làm nên thương hiệu cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều…
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đều với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7%/năm. Với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu đa dạng và phong phú, đáp ứng được nhu cầu cao của nhiều thương hiệu thực phẩm đồ uống uy tín trên thế giới. Vì vậy, dự địa để phát triển thị trường thực phẩm đồ uống còn rất lớn, theo đó đây cũng là cơ hội để ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển.
Song để đảm bảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm nói riêng và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao được bền vững và hiệu quả, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm có phương án quy hoạch các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của chuỗi cung ứng thực phẩm thế giới. Đồng thời xác định kế hoạch sử dụng đất hợp lý cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài để thu hút các dự án dài hơi