Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, toàn tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi về đề án truy xuất nguồn gốc gia cầm và trứng gia cầm. Đến nay, người chăn nuôi đã biết về chương trình và rất quan tâm thực hiện.
* Người nuôi ủng hộ
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, 50% sản lượng thịt heo, gia cầm và trứng gia cầm đang tiêu thụ tại thị trường TP.Hồ Chí Minh là do Đồng Nai cung ứng. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh để chủ động triển khai đề án. Đến nay, Đồng Nai cũng đang đứng đầu về số lượng doanh nghiệp, chủ trang trại đăng ký tham gia đề án này. |
Ngay sau khi TP.Hồ Chí Minh công bố triển khai kế hoạch quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai đã chủ động đăng ký tham gia.
Trong đó, đi đầu là các đơn vị, như Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (TP. Biên Hòa), Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (có hệ thống trang trại chăn nuôi VietGAP và nhà máy giết mổ tại huyện Trảng Bom)...
Không chỉ có doanh nghiệp lớn, mà các chủ trang trại cũng đều quan tâm và ủng hộ chương trình này.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết: "Những trang trại chăn nuôi lớn đều đã chủ động thực hiện việc quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu con giống đến quy trình chăn nuôi, xuất bán, nên khi TP.Hồ Chí Minh triển khai đề án truy xuất nguồn gốc gia cầm và trứng gia cầm, họ sẽ sẵn sàng tham gia. Riêng các trại nuôi nhỏ lẻ có thể sẽ lúng túng trong thời gian đầu, nhưng nếu muốn bán sản phẩm vào thị trường lớn là TP.Hồ Chí Minh thì bắt buộc phải tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc này”
Đồng quan điểm nói trên, ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), bày tỏ: “Tôi mong TP.Hồ Chí Minh triển khai nhanh và chặt chẽ đề án truy xuất nguồn gốc gia cầm và trứng gia cầm, vì điều này có lợi cho cả người tiêu dùng và ngành chăn nuôi. Có nghiêm túc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng mới an tâm sử dụng. Đây cũng là một trong những yêu cầu căn bản để sản phẩm chăn nuôi tham gia vào thị trường xuất khẩu”.
* Dễ thực hiện hơn so với heo
Theo quy trình đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm, việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm đều bằng hệ thống phần mềm máy tính. Giải pháp này cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra đầy đủ thông tin về sản phẩm từ khâu sản xuất, rà soát được từng công đoạn, đường đi của con gà, quả trứng.
Về nội dung đề án, đối tượng tham gia là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có năng lực chuyên môn, có chức năng sản xuất, kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực theo yêu cầu. Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh là đầu mối nhận đăng ký.
Đối tượng đăng ký phải kê khai năng lực chăn nuôi, sản xuất, khả năng cung ứng, phân phối và cam kết cung ứng đủ số lượng, đúng chủng loại hàng hóa đã đăng ký; đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm. Đề án ưu tiên cho các đối tượng thực hiện chăn nuôi, phân phối thịt gia cầm tươi sống đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực phẩm an toàn.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết thêm: “Để thực hiện căn cơ đề án, việc niêm phong, dán tem truy xuất nguồn gốc phải thực hiện từ trại chăn nuôi. Tuy nhiên với sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm, việc dán niêm phong, tem truy xuất được thực hiện theo từng lô hàng nên sẽ không gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như với con heo”