UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Quyết định số 1611/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030.
Theo đó, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, các nông sản được sản xuất theo quy trình GAP, Chương trình tập trung vào các mục tiêu: đối với sản phẩm nông nghiệp hàng hóa sản xuất theo quy chuẩn đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, đạt 45% lĩnh vực trồng trọt, 50% lĩnh vực chăn nuôi trong giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến giai đoạn 2026 - 2030 lĩnh vực trồng trọt đạt 80% và lĩnh vực chăn nuôi đạt 70%; Diện tích cây trồng, vật nuôi đạt tiêu chuẩn GAP đạt 5% giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến giai đoạn 2026 - 2030 đạt 20%.
Tỉnh Đắk Nông có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng. |
Nông sản đạt được chứng nhận GAP tiêu thụ ổn định thông qua ký kết hợp đồng đạt 50% trong giai đoạn 2020 - 2025 và đạt 80% giai đoạn 2026 - 2030; Sản phẩm đạt chứng nhận GAP được phân phối, tiếp cận trực tiếp tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích,... đạt 50% trong giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến giai đoạn 2026 - 2030 đạt 80%.
Tỉnh Đắk Nông cũng đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2020 - 2025, hàng năm có 7 mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ yếu 4 nhóm sản phẩm, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm nông sản (rau củ quả), gia súc gia cầm..., hướng đến giai đoạn 2026 - 2030, đạt 10 mô hình/năm.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2025 có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối thu mua, liên kết chuỗi phân phối các loại rau, củ, trái cây, cà phê, thịt gia súc gia cầm... được chứng nhận GAP, hữu cơ cho thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu, hướng đến giai đoạn 2020 - 2030 là 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản theo quy trình GAP. |
Chương trình sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản theo quy trình GAP, gồm: tổ chức điều tra khảo sát về điều kiện sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm (đất, nước, không khí...); xét nghiệm mẫu sản phẩm, đào tạo, tập huấn về áp dụng tiêu chuẩn GAP trong sản xuất, sơ chế; thuê tổ chức chứng nhận, đánh giá để cấp Giấy chứng nhận GAP; hỗ trợ liên kết theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi…
Tổng nhu cầu vốn hỗ trợ chuỗi liên kết thực hiện Chương trình theo giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 80 tỷ đồng, hướng đến giai đoạn 2026 - 2030 là 113 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là hơn 89 tỷ đồng. Vốn ngoài ngân sách là hơn 103 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính triển khai thực hiện chương trình này