Đó là cách nuôi cá theo tiêu chuẩn “Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (BAP – best aquaculture practices)” của Mỹ.
Qua chuyến quan sát thị trường Mỹ của phóng viên TGTT, chúng tôi nhận thấy xu hướng nuôi thuỷ sản theo tiêu chuẩn toàn cầu, là yếu tố quyết định sống còn…
Không cần các ông phải bán rẻ
Theo chân đoàn một doanh nghiệp Việt Nam, vào một ngày mùa đông, từ sân bay Los Angeles, mất hơn một giờ bay, chúng tôi tới New Orleans, bang Louisiana gặp đối tác lâu năm, tập đoàn thuỷ sản Piazza. Cùng với một Việt kiều ở Los Angeles, có thể khẳng định, Piazza là doanh nghiệp thứ hai, có công đưa con cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ.
Ông chủ Piazza, người Ý, tỏ ra thán phục trước sự phát triển vượt bậc của loài cá da trơn, chỉ có Việt Nam có lợi thế nuôi tốt nhất trên thế giới. Từ chỗ kim ngạch vài chục triệu USD năm 1997, sau gần 20 năm, doanh số đã là 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, với ông, điều trăn trở lớn nhất vẫn là chất lượng cá tra đang ngày một tệ dần. Hôm gặp đoàn, ông hỏi: “Tại sao trước năm 2003, khi con cá tra chưa bị Mỹ kiện, thì giá xuất 1kg cao hơn 1 USD so với hiện tại đang chịu thuế?”
Một đại diện trong đoàn đáp: “Đang có quá nhiều doanh nghiệp bán cá vào Mỹ. Cạnh tranh, phá giá, giảm chất lượng là khó tránh khỏi”. “Nếu các ông muốn bán cá cho tập đoàn của chúng tôi thì phải cam kết chất lượng và sản lượng tốt, ổn định. Để làm được điều này, các ông phải có vùng nuôi cá theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi không cần mua rẻ. Chúng tôi sẽ trả giá cao nhưng chất lượng phải OK”.
Bất cứ một người tiêu dùng nào khi mua một
miếng philê cá tra hay con tôm có nguồn gốc từ Việt Nam, thì họ cũng yêu cầu phải truy xuất được nguồn gốc. Như tập đoàn thuỷ sản Beaver (Jacksonville, Florida) là công ty gia đình, có tới 50 hệ thống phân phối trên toàn nước Mỹ đang thiết lập một hệ thống kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt.
Ngoài phòng thí nghiệm độc lập, tại các nhà máy
chế biến của Beaver, luôn có người của cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) giám sát. Các sản phẩm của doanh nghiệp trước khi bán ra thị trường sẽ được người của FDA trực tiếp lấy mẫu, kiểm tra, sau đó mới cấp chứng thư cho lưu hành.
Tất nhiên, doanh nghiệp phải trả lương nuôi họ quanh năm. Adam Frisch, giám đốc khối kinh doanh, thuộc thế hệ thứ ba đang điều hành Beaver nói ở thị trường Mỹ, vấn đề chất lượng,
an toàn vệ sinh thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Giá cả chỉ là thứ yếu khi đàm phán.
Với vỏn vẹn 500 công nhân, chuyên làm hàng giá trị gia tăng, nhờ uy tín, chất lượng, doanh số năm 2015 của Beaver ước khoảng 1 tỉ USD. Ngang với doanh số của một tập đoàn thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, nhưng nuôi lượng công nhân gấp bốn lần.
Tiêu chuẩn quốc tế không bao giờ thừa
Hiện, cá tra Việt Nam, sau nhiều nỗ lực cải thiện, thay đổi cách thức nuôi cũng đã đạt 5 tiêu chuẩn quốc tế, gồm: tiêu chuẩn BAP của Mỹ; tiêu chuẩn ASC của châu Âu; tiêu chuẩn GlobalGAP; tiêu chuẩn BRC của Anh và tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, các nhà máy có thêm chứng nhận
HACCP, và
ISO 22000. Trong năm tiêu chuẩn nói trên, mỗi nhà máy đạt ít nhất từ ba đến bốn tiêu chuẩn, tuỳ theo khách hàng chọn lựa và yêu cầu.
Dù đạt nhiều tiêu chuẩn, nhưng tại sao khách hàng vẫn phàn nàn, thậm chí có trường hợp hàng thuỷ sản từ Việt Nam bị trả về do không đáp ứng vấn đề chất lượng? Đại diện tập đoàn Piazza ta thán rằng họ thường xuyên phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh, chào giá thấp từ các đối tác Việt Nam.
Chẳng hạn, quý này Piazza nhận được đề nghị giá bán philê cá tra là 1,37 USD/pound (giá FOB tại cảng Việt Nam), nhưng qua quý sau lại có doanh nghiệp khác chào giá giảm xuống năm, mười cent mỗi pound.
“Có thời điểm chúng tôi không thể quyết định được kế hoạch nhập hàng, vì nếu ký hợp đồng lô hàng trước dễ dẫn đến bị lỗ những lô sau, do giá thay đổi liên tục”.
Lẽ dĩ nhiên, cạnh tranh giá luôn đi liền với hạ chuẩn chất lượng. Đây được xem là căn bệnh khó trị nhất, đã làm giảm nghiêm trọng uy tín, chất lượng,
thương hiệu thuỷ sản Việt Nam trên đất Mỹ. Một nguyên nhân nữa khiến hàng thuỷ sản bị trả về, đó là bị nhiễm kháng sinh.
Các nhân viên FDA ở các cảng trên khắp nước Mỹ, trong phòng thí nghiệm đặt tại các nhà máy chế biến, họ luôn được nhà chức trách yêu cầu cảnh giác cao độ đối với hàng thuỷ sản từ châu Á, trong đó có Việt Nam.
Phải thừa nhận thực tế, môi trường nuôi cá, nuôi tôm ở Việt Nam đang quá tệ, đến mức người nuôi bắt buộc phải trị kháng sinh mới đảm bảo. Các doanh nghiệp cũng thừa biết tình trạng sử dụng kháng sinh và họ chấp nhận rủi ro hàng hoá bị trả về.
Thường, khi quyết định mua một ao cá, ao tôm nào đó, doanh nghiệp phải cho người xuống lấy mẫu về test kháng sinh trước cả tuần. Nếu đạt thì mới tiến hành bắt, còn không thì cứ phải yêu cầu chủ hầm nuôi thêm đến khi nào cá, tôm đào thải hết kháng sinh mới thôi