Chuyển mình sang xu thế mới
Từ trước tới nay, chợ truyền thống vẫn mặc định mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, thể hiện trong giao dịch và trong văn hóa của chợ. Hàng hóa ở chợ có ưu điểm thường là tươi mới, phong phú, đặc trưng cho vùng miền và có giá rẻ. Người dân mua bán thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán. Tuy nhiên đi kèm với đó là những hạn chế, nhất là về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, nguy cơ cháy nổ cao và quản lý thiếu khoa học; chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật…
Hiện nay, Hải Phòng có trên 150 chợ, trong số đó, chợ loại 1 và loại 2 chiếm số lượng còn khá khiêm tốn. Dù vẫn là kênh cung cấp hàng hóa chủ công của thị trường thành phố, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống nói riêng và nông sản nói chung nhưng nhiều năm qua các chợ ở Hải Phòng chỉ phát triển cầm chừng và chưa có hướng phát triển hiệu quả. Theo tiêu chí văn minh, một số chợ truyền thống đã xây dựng mới khang trang, hiện đại, kết hợp công năng chợ truyền thống với nhiều tiện ích khác.
Nhưng trước sự mọc lên nhanh chóng của các trung tâm thương mại thì tất yếu, chợ truyền thống dần ngập sâu vào tụt hậu. Ưu thế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nguồn gốc hàng hóa, giá cả niêm yết, chế độ hậu mãi, chế độ bảo quản của hệ thống các siêu thị đã buộc chợ truyền thống phải bắt đầu cho một cuộc “lột xác”. Mô hình chợ văn minh thương mại ra đời.
Tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm…Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - tiểu thương - doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi xã hội hóa, chủ đầu tư cũng cần công khai và thống nhất với tiểu thương về phương thức quản lý, vận hành. Quan hệ giữa chủ đầu tư dự án chợ và tiểu thương cũng phải theo quy luật cung - cầu, có cơ chế quản lý phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Gần đây, ở Hải Phòng đã có một số chợ khẳng định được hiệu quả sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang chợ văn minh thương mại, trong đó phải kể đến chợ Quán Toan (phường Quán Toan, quận Hồng Bàng).
Lấy văn minh thương mại làm nòng cốt
Là khu chợ được xây dựng theo mô hình chợ văn minh thương mại đầu tiên của Hải Phòng, cũng là khu chợ đạt chuẩn PCCC đầu tiên, chợ Quán Toan đã trở thành “ngôi nhà” buôn bán chung của các tiểu thương. Với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, chợ Quán Toan đang tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về văn minh thương mại tại đất Cảng.
Nằm giữa trung tâm phường Quán Toan, nơi giao cắt giữa quận Hồng Bàng - trung tâm sôi động và huyện An Dương - ngoại thành bình yên, chợ Quán Toan không chỉ thuần túy là nơi buôn bán mà còn là bộ mặt kinh tế thể hiện sự phát triển của thành phố Hải Phòng. Với diện tích khoảng 12 nghìn m2, 500 quầy hàng với đầy đủ các mặt hàng phong phú từ đồ lưu niệm, thời trang, ẩm thực tới thực phẩm tươi sống, hàng địa phương...
Gần 9 năm xây dựng và hoạt động, chợ Quán Toan luôn được đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng khang trang, kiên cố. Quán Toan được xem là chợ bán lẻ có quy mô theo nghĩa có thể tìm thấy bất cứ loại mặt hàng nào tại đây, từ hàng hóa bình dân tới cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm tươi ngon được chọn lọc
Chủ đầu tư của chợ Quán Toan - Công ty CP Long Sơn cũng đưa ra các quy định trong việc xây dựng chợ văn minh thương mại, như hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao, bán hàng theo giá niêm yết…tạo cho khách hàng cảm giác yên tâm và tin tưởng. Đặc biệt, ở đây không có tình trạng chặt chém, nói thách, “hét” giá cao với khách. Với khách hàng, người bán luôn thể hiện thái độ nhã nhặn, không chửi đổng khó nghe, không câu kéo, giành giật khách. Mỗi tiểu thương ở đây đều cố gắng tạo ấn tượng tốt với khách về cách hành xử văn hóa, thân thiện. Công tác PCCC cũng được quan tâm, đầu tư. Chợ Quán Toan là mô hình chợ an toàn PCCC đầu tiên của cả nước được triển khai thí điểm với 18/20 tiêu chí đạt chuẩn về an toàn PCCC.
Đến với chợ, khách hàng còn biết đến một Hội nghĩa tình Quán Toan đoàn kết, đối xử với nhau đầy tính nhân văn, văn hóa. Hội được thành lập từ 5 năm nay (12/12/2013), quy tụ sự tham gia tự nguyện của gần 400 tiểu thương buôn bán tại chợ. Những chuyến từ thiện tới nơi khó khăn luôn được các tiểu thương hưởng ứng nhiệt tình với số tiền quyên góp lên tới hơn 120 triệu đồng. Đặc biệt, các tiểu thương trong chợ đã quyên góp xây dựng được một ngôi nhà tính nghĩa tặng gia đình liệt sĩ phường Quán Toan.
Việc làm thiện nguyện đã giúp tiểu thương đoàn kết với nhau hơn, động viên nhau cùng kinh doanh văn minh đúng với tinh thần “Hội nghĩa tình Quán Toan”. Phong trào văn hóa, văn nghệ tại chợ cũng phát triển sôi nổi. Hàng ngày, khách hàng đã quá quen thuộc với hình ảnh chị bán thịt, bác bán cá, cô bán rau...say sưa hòa theo tiếng nhạc tập thể dục sôi động một góc chợ. Các đội văn nghệ được thành lập, thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn đã kéo gần khoảng cách giữa mọi người, giảm bớt không khí bon chen, giành giật thường thấy ở các chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Công Thành – Trưởng ban quản lý chợ Quán Toan cho biết: “Chợ hiện đạt tiêu chuẩn chợ đô thị loại I của thành phố. Chợ được xây dựng không chỉ phục vụ mục đích thương mại mà còn mong muốn giúp cho người buôn bán ngày càng nâng tầm nhận thức của mình về văn minh, văn hóa trong hoạt động kinh doanh. Đầu tháng 4 vừa qua, đại diện ban quản lý cùng 4 doanh nghiệp kinh doanh tại chợ đã có dịp tiếp xúc, làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố; tham dự hội nghị xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam tại Hải Phòng qua đó được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với nước bạn”.
Chợ truyền thống luôn phải chịu áp lực cạnh tranh đến từ các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, kênh bán hàng onlione… Vì vậy không ít người lo ngại chợ truyền thống sẽ dần mất khách và bị thay thế. Nhưng, nhờ biết phát huy tối đa lợi thế của mình, chợ Quán Toan đã có những bước đi đột phá làm “thay da đổi thịt”, nhờ đó nó vẫn giữ vững vị trí của mình trước biến đổi của thời gian, của cơ chế thị trường