Vai trò, trách nhiệm lớn của chủ doanh nghiệp
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm và khoảng 20 người tử vong do ngộ độc thực phẩm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 866 người mắc, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, số vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không có biến động nhiều, nhưng số người mắc lại tăng trong những tháng hè tại một số tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ngãi…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, dù đã có nhiều cảnh báo về hậu quả của các vụ ngộ độc tập thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, nhưng không ít chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Có nơi đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý bếp ăn tập thể, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra, nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số đơn vị liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, song chưa chủ động khắc phục các điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm an toàn tại bếp ăn của đơn vị mình.
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, hiện đã có quy định chặt chẽ về việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; kiểm soát từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… Các cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, khi kiểm tra, đã phát hiện nhiều vi phạm, chủ yếu về vệ sinh phòng ăn, khu chế biến thức ăn; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc; vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình bảo quản, thậm chí không có giấy chứng nhận đủ điều kiện…
Qua quá trình kiểm tra thực tế, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, một trong những nguy cơ đáng cảnh báo tại các bếp ăn tập thể là việc sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc; đơn giản hóa khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm… của các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp. Ông Trần Ngọc Tụ lưu ý, các bếp ăn tập thể phải được gắn camera để người quản lý và công nhân trong các khu công nghiệp có thể quan sát, giám sát được hoạt động tại nhà bếp. Ngoài ra, tại các doanh nghiệp nên có đại diện của tổ chức công đoàn tham gia giám sát quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thức ăn...
Hỗ trợ đưa thực phẩm sạch vào bếp ăn tập thể
Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng, điều quan trọng nhất là cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đi sâu vào từng khía cạnh để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay. Trong đó, vấn đề đầu tiên, quan trọng cần giải quyết là nguyên liệu chế biến sản phẩm. Với một suất ăn cho công nhân có giá chỉ 15.000-20.000 đồng, thì khó có thể nhập được nguồn thực phẩm sạch của những đơn vị đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định. Do đó, cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch giảm giá thành khi cung cấp cho bếp ăn công nhân. Có như vậy, thực phẩm sạch mới đến được với mọi tầng lớp trong xã hội và vào được các bữa ăn tập thể.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thực tế cho thấy cần có quy định ngưỡng tối thiểu cho một suất ăn của người lao động để nâng chất lượng dinh dưỡng, cải thiện an toàn, vệ sinh thực phẩm. Về phía chủ doanh nghiệp, cần chăm lo cho bữa ăn của công nhân, tăng định mức khẩu phần suất ăn, coi sức khỏe của người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Đối với công nhân, cần nhìn nhận vấn đề “sức khỏe là vốn quý” và nói không với những suất ăn giá rẻ, mất an toàn. Ngành Y tế Hà Nội sẽ làm cầu nối giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch với các bếp ăn tập thể và tiếp tục nghiên cứu các mô hình quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Hệ thống cảnh báo này đáp ứng việc xử lý nhanh các thông tin, sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp, người lao động khi phát hiện những vấn đề bất ổn liên quan đến an toàn thực phẩm tại đơn vị mình, cần báo ngay cho chính quyền sở tại để kịp thời xử lý