Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ truyền thông ra sao và tận dụng sức mạnh của các công cụ truyền thông số tới đâu nhằm mang lại hiệu quả bán hàng đang là vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp.
Tác động từ truyền thông không kiểm chứng
Ông Thường dẫn chứng câu chuyện cách đây 5- 6 năm về sản phẩm Mì Ba Miền. Thời điểm đó, một số phóng viên nhận được thông tin phản ánh từ khách hàng về việc “pha mì ăn liền Ba Miền gặp vật thể lạ”. Mặc dù chưa có sự kiểm chứng nhưng phóng viên đã vội vàng đăng tải thông tin này lên một số tờ báo, và các tờ báo đua nhau giật tít “vật thể lạ trong Mì Ba Miền” nhằm câu view. Thông tin đó trong một môi trường internet phát triển, với những tờ báo hàng đầu đưa tin đã mang lại hậu quả nghiêm trọng cho nhà sản xuất.
Lúc gặp sự cố này, doanh nghiệp có tìm tới tôi tư vấn, tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp là doanh nghiệp hãy làm việc với Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm để sớm có những kết quả minh bạch. Cuối cùng, kết luận của cơ quan Nhà nước rằng không hề có vật thể lạ nào mà đó chỉ là “đốt sắn dây”, có lẽ “đốt sắn dây bị vón cục trong quá trình sản xuất. Lỗi sản xuất là một việc hoàn toàn bình thường trong quy trình sản xuất của một doanh nghiệp.
“Nếu thiếu trách nhiệm trong thông tin, sơ suất trong việc đưa thông tin thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn hiện nay đã xây dựng ra đội ngũ làm truyền thông riêng rất chuyên nghiệp. Để có thể phát hiện kịp thời các sự cố; Để có cách xử lý hợp tình hợp lý, tránh trở thành những thảm họa", ông Thường nhìn nhận.
Cuộc cạnh tranh mới và lời giải
Ở một góc độ khác, ông Trần Trọng Tú, Tổng Thư ký Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư nhấn mạnh tới từ “Crow” (tăng trưởng) của mạng xã hội, đang thực sự trở thành một đối trọng của báo chí truyền thống.
Theo ông Tú, mấy ngày trước, Facebook đã công bố cho ra đời một tạp chí tên là Crow, tạp chí này sẽ phát hành tuần 1 số và phát hành vào hệ thống sân bay. Sự xuất hiện của tờ tạp chí này do Facebook làm chủ chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải e ngại bởi độ phủ sóng thông tin của nó. Bởi giới doanh nhân hiện nay rất bận rộn nên thời gian dành cho báo chí chắc chắn sẽ không nhiều mà người ta sẽ đọc báo ở trong phòng chờ sân bay.
Cũng theo ông Tú, đối với truyền thông số, có hai vấn đề xuất phát từ nội dung và nền tảng nội dung sẽ chi phối. Trước đây, nói về nội dung báo chí thu hút thường nói về ba chữ “T”: tình - tiền - tù tội. Còn hiện nay, nội dung báo chí thu hút độc giả xung quanh công thức 3S: Một là, Shock - Những thông tin gây sốc; Hai là, Sex - nội dung liên quan tới sex gắn liền với mối quan hệ của con người; Ba là, Sentiment - những thông tin mang lại nhiều cảm xúc.
“Hiện nay, ngoài báo chí truyền thống thì mạng xã hội đang tạo ra những làn sóng mới dẫn dắt dư luận nên buộc các tờ báo cần phải có những điều chỉnh thay đổi cho phù hợp. Đó chính là mô hình truyền thông hội tụ. Trong đó có sự hội tụ về không gian nhằm giúp thông tin tập hợp một cách nhanh nhất nhằm cạnh tranh với mạng xã hội; Hội tụ về nhân cách nhà báo gồm đạo đức, kỹ năng mềm và kỹ năng cứng; Việc chuyển đổi tòa soạn như vậy thì đã góp phần tạo nên kỷ nguyên thông tin bùng nổ, làm cho doanh nghiệp chìm ngập trong thế giới thông tin”, ông Tú nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê nhìn nhận: Truyền thông số đang tạo ra những điều kỳ diệu. Cũng giống như việc Uber hay Grap là một trong những doanh nghiệp vận tải khổng lồ nhưng lại không có một chiếc xe taxi nào; Chúng ta đang sử dụng hệ thống facebook với dung lượng thông tin khổng lồ nhưng họ không có một đơn vị sản xuất thông tin nào… Đó chính là sự hôn phối giữa nội dung và công nghệ. Đây là cuộc hôn phối rất kỳ diệu mở ra một thế giới công nghệ mới.
Chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại thông tin mở. Điều đó bắt buộc chúng ta phải có những thay đổi cách ứng xử với truyền thông. Điều đó đã và đang tạo ra sự thay đổi trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí không đơn thuần là cơ chế xin cho.
Do vậy, ông Vinh cho rằng: Sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp cần phải nhìn thấy một thế lực khác. Việc thông tin được phát tán nhanh chóng mặt trên các mạng xã hội đã và đang khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Vậy vai trò của báo chí truyền thống sẽ ra sao? Câu chuyện gần đây nhất là vụ “ cà phê pin”. Chỉ một phát hiện nhỏ từ mấy tấn cà phê đặt cạnh đống lõi pin. Với sự vội vàng đưa tin từ truyền thông và mạng xã hội lan tỏa thông tin “cà phê pin” đã làm cho các doanh nghiệp cũng như người trồng cà phê ở Đắk Lắk một phen lao đao.
"Không ít doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng công cụ báo chí một cách không đúng đắn, điển hình như việc tìm tới báo chí khi có vấn đề không minh bạch nhằm thông qua báo chí để che giấu những sai phạm của mình. Từ đó, làm cho mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp thêm méo mó, gây mất niềm tin cho bạn đọc. Theo tôi, cần thay đổi cách nhìn nhận trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, cần xây dựng lại mối quan hệ này" - ông Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Vinh, doanh nghiệp cần phải ứng xử thế nào với truyền thông số? Doanh nghiệp phải làm sao sử dụng được sức mạnh của hệ thống truyền thông hiện hữu và truyền thông số mà báo chí đang xây dựng đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Vinh cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng hợp tác với các cơ quan báo chí và hỗ trợ họ xây dựng một số kênh truyền thông số khách quan, độc lập.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tự tạo ra các kênh truyền thông chính thức của doanh nghiệp và phải tạo ra sự tương tác giữa bạn đọc, khách hàng đối với truyền thông của doanh nghiệp.
"Cùng với những công cụ khác trong công nghệ số đang được tạo ra ngày một nhiều hơn đã và giúp doanh nghiệp có thêm những cách kết nối, tương tác hiệu quả đối với nguồn khách hàng của mình" - ông Vinh nhấn mạnh