Tiền đề cho thực phẩm sạch
Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ nguồn
nông sản ở các địa phương rất lớn. Mỗi năm, Hà Nội tiêu thụ khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn
thịt lợn, 42 nghìn tấn gà, 900 triệu quả
trứng… Phần lớn các loại
nông sản thực phẩm tại Hà Nội được phân phối, tiêu thụ qua chợ đầu mối, chợ dân sinh, do đó Quy chuẩn quốc gia về chợ đầu mối được các cơ quan quản lý đánh giá cần thiết và kịp thời.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và
thủy sản) cho biết, Hà Nội chỉ có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, Hoàng Mai) với khoảng 250 tấn hàng tiêu thụ hàng ngày và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) với 200 tấn hàng tiêu thụ mỗi ngày.
Về Quy chuẩn của Bộ NN&PTNT vừa ban hành, đại diện Chi cục cho biết, rất khó để đạt được những quy chuẩn nêu ra bởi đây đều là những chợ đầu mối cũ, không đảm bảo cơ sở vật chất. Cơ sở hạ tầng xuống cấp như: có nguy cơ ngập úng, thoát nước kém, công tác vệ sinh chưa thường xuyên, quản lý nguồn gốc chưa được chú trọng… “Quan trọng nhất là các Ban quản lý chợ, nếu họ không quyết tâm giám sát, đảm bảo
ATTP thì rất khó, nhiều Ban quản lý chợ chỉ chăm chăm lo thu tiền mà không quan tâm đến kiểm soát xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại chợ”, đại diện Chi cục nói.
Đại diện UBND thành phố Hà Nội thông tin thêm, do 2 chợ đầu mối hiện có không nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng năm 2030 nên 2 chợ này hiện chỉ được coi là chợ tạm. Tới đây, thành phố sẽ xây dựng mới 6 chợ đầu mối, các chợ đảm bảo Quy chuẩn của Bộ NN&PTNT về chợ đầu mối. Thành phố đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế chợ hiện hành, tham mưu báo cáo UBND thành phố đề xuất, kiến nghị các Bộ để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian chờ xây dựng chợ đầu mối mới, đơn vị đã thực hiện được truy xuất nguồn gốc tại một số
siêu thị,
cửa hàng tiện ích và sẽ thí điểm truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối Đền Lừ vào năm 2019. Sở NN&PTNT Hà Nội đang thí điểm xây dựng
hệ thống quản lý cho ban quản lý chợ, ban quản lý sẽ có tài khoản quản lý được tất cả những tiểu thương, cả nguồn gốc sản phẩm nhập vào.
Điểm kinh doanh trong chợ phải có diện tích tối thiểu 3 m2
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện tại nước ta có hơn 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối (chiếm gần 1%), 75% là chợ nông thôn thực hiện chức năng kinh doanh bán lẻ...
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá: Trong những năm qua, tốc độ phát triển chợ đầu mối đạt gần 4,5%/năm, nhiều chợ có quy mô tăng khá nhanh, được xây dựng bài bản, hiện đại như chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn. Tuy nhiên, ông Hội cũng nhìn nhận: “Sự phát triển của chợ đầu mối vẫn khá chậm, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu. Quản lý chợ chưa có sự chuyển biến mạnh, khả năng đảm bảo
an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường vẫn còn hạn chế”.
Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản vừa được Bộ NN&PTNT ban hành đã đưa ra những quy chuẩn áp dụng đối với tổ chức quản lý chợ; tổ chức, cá nhân hoạt động
kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trong chợ đầu mối. Quy định cụ thể về địa điểm, mặt bằng, kết cấu, phòng chống côn trùng, nhà vệ sinh,
sơ chế, bảo quản, vận chuyển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu về quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong đó, một số yêu cầu kỹ thuật trong quy chuẩn được đưa ra rất cụ thể, chi tiết mà khi bố trí, kiểm soát Ban quản lý chợ, cơ sở kinh doanh cần phải lưu ý như: Điểm kinh doanh trong chợ phải có diện tích tối thiểu 3 m2. Đường đi và vận chuyển sản phẩm trong khu vực kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 1,5 m; Cơ sở
kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán; Tổ chức quản lý chợ phải có quy định kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; lưu trữ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, thời gian lưu trữ tối thiểu là 2 năm.
“Chương trình thực hiện với sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Ông Nguyễn Văn Hội, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề
vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần sử dụng các biện pháp như: phân cấp giám sát từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng
hàng nông sản… cùng với hàng loạt các biện pháp kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm hàng lưu thông trong chợ.